Thứ Tư, 10 tháng 10, 2007

Công bằng, có hay không?

Hôm qua tớ coi được một bộ phim tài liệu trên kênh ARTE có nội dung kể về một tiết học của một lớp tiểu học Trung Quốc.
Cô giáo giao cho ba em học sinh lớp 3 một bài tập: chuẩn bị bài thuyết trình trước lớp. Trong bài đó, các em phải giới thiệu mình là ai, gia đình của mình như thế nào, có yêu trường lớp không, đối xử với bạn bè như thế nào...
Đối với tớ bài tập đó sẽ rất hay nếu như giáo viên không cố ý thêm vào tính chất "tranh đua" giữa các học sinh. Một trong ba em học trò đó, em nào được cả lớp bỏ phiếu nhiều nhất cho bài thuyết trình, sẽ được "tặng sao" và làm "tổng chỉ huy" trong trường.
<cứ như tranh cử tổng thống>
Và thế là thay vì tự viết bài, các học sinh đã tận dụng sự giúp đỡ của cha mẹ. Các bậc phụ huynh cũng mong muốn bài của con mình sẽ là bài hay nhất (để được nở mày nở mặt). Ba đứa nhóc, đứa nào cũng tập tành thuyết trình trước mặt bố mẹ, để bố mẹ đưa ra ý kiến: Con phải làm thế này... Con phải làm thế kia...
Ngày thuyết trình cũng đã đến. Các em học sinh đều tỏ ra rất lo lắng và hồi hộp. Một cậu nhóc đã tâm sự thế này: Em đã chuẩn bị cho bài thuyết trình rất kĩ. Nhưng em sợ lỡ em không đạt, bố mẹ sẽ rất thất vọng. (thấy mà thương!)
Lần lượt từng em một "lên thớt". Xin tạm gọi chúng là: bé mập, tiểu thư và bé ốm (chịu, tớ chả nhớ được tên của bọn nhóc đó nữa).
Bé mập (cái em mà có lời thổ lộ thấy mà thương ấy) dường như là rất run. Thằng bé không nói năng được trôi chảy như lúc luyện tập ở nhà, cứ bị vấp hoài.
Nghe tiểu thư (bé gái duy nhất) nói mà tớ có cảm giác cứ như con bé đọc thì đúng hơn. Nó làm một lèo từ đầu đến cuối bài, đôi lúc nghỉ một chút để lấy hơi.
Nhưng đứa tớ ít có cảm tình nhất là bé ốm. Thằng nhỏ này miệng dẻo đeo, nói cứ như là một bài học thuộc lòng ấy. (cũng đúng thôi, nó đã nói trước bố mẹ cả mấy chục lần mà)
Một điểm chung ở ba bài thuyết trình là chúng đều kết thúc với một câu: Hãy bầu cử cho tôi!
Lúc kiểm phiếu là lúc mà tớ thấy gương mặt cả ba đứa hiện lên vẻ lo âu, căng thẳng nhất. Cuối cùng, thằng bé ốm thắng. Nhìn cái mặt láu cá nghênh nghênh của nó mà thấy ghét.
Hai đứa còn lại do không được "trúng cử" nên khóc quá trời. Đã vậy, cô giáo còn nói: Đáng lẽ em phải chúc mừng bạn chứ.
Cả những đứa bầu cho hai đứa kia cũng khóc thút thít.
Hình ảnh cuối phim là buổi chào cờ của tụi nó. Cái thằng thắng cuộc vẫn mang bộ mặt nghênh nghênh khi chỉ huy các bạn. Còn hai đứa thua cuộc thì gương mặt vẫn cúi xuống, có một chút xấu hổ.
Tớ nghĩ là tớ đã hiểu được phần nào tựa phim: Wählt mich! (Hãy chọn tôi!). Nếu mới nghe sơ qua thì ta sẽ tưởng như đó là một cuộc bỏ phiếu công bằng và dân chủ. Nhưng thực sự không phải vậy, vẫn có sự tham gia của bố mẹ trong bài thuyết trình của những đứa trẻ. Như vậy, công lao không thuộc về chúng, mà thuộc về bố mẹ chúng mới đúng. Những đứa bạn thân nhau thì tất nhiên sẽ bỏ phiếu cho nhau --> kết quả phiếu không mang tính khách quan tí nào.
(tự nhiên làm tớ nhớ đến một vài đứa học chung cấp 2)
Tìm đâu ra công bằng và dân chủ cho tất cả?

1 nhận xét:

  1. 3 comments từ bạn bè:

    anh Minh: anh nghĩ không nên trách bọn họ ( những bậc phụ huynh và con cái của họ)- họ chỉ là những người sống trong cái xã hội này và họ phải chịu sự chi phối của những luật lệ mà người ta đã đặt ra và đa phần nếu không theo những luật đó thì ta có thể thất bại thôi.
    -- Đó là lẽ thường, anh nghĩ thế . Và những lẽ thường đó là một trong những cái bẫy do chính con người tạo ra.
    Wednesday October 10, 2007 - 11:34pm (ICT)

    Aki: :P Cùng 1 bộ phim nhưng có nhiều cách cảm nhận khác nhau mà...
    Wednesday October 10, 2007 - 11:53pm (ICT)

    Đức Hiếu: Anh nghe xong câu chuyện này thì chỉ nghĩ đến tình cảnh giáo dục và lối sống ở nước mình. Tìm đâu ra khả năng để giải thoát khỏi cái đám rối này bây giờ :((
    Thursday October 11, 2007 - 12:02am (ICT)

    Trả lờiXóa