Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Sinh nhật 19

[Sao dạo này mình đặt lắm gạch thế nhỉ?]

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

Trường cũ

(đang viết bài - đặt cục gạch cái đã)

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

Hạ...



Những ngày này, tôi cảm thấy thảnh thơi như đang ở chốn cực lạc.

Lẽ ra, bây giờ tôi đang du lịch ở Bayern cùng với gia đình. Nhưng cái vận tôi thế nào ấy, hay như cô Rippel từng nói: “Không có kỳ nghỉ cho Nam Trân!” Đêm trước ngày đi tôi giở chứng sốt cao. Lịch trình không thể bị hủy bỏ. Vậy cho nên tôi ở nhà một mình.

Đó là câu chuyện xảy ra cách đây đúng một tuần. Thứ sáu tuần này tôi sẽ đến khu nghỉ mát bố đã đặt chỗ cho cả nhà và hưởng một tuần du lịch, thay vì ba tuần như đã định. Dĩ nhiên giờ tôi đi cũng được, nhưng đi thứ sáu sẽ có bạn cùng đi. Đi nhiều mình vẫn vui hơn là đi một mình chứ nhỉ.

Lâu lâu ở nhà một mình cũng hay, đặc biệt là trong một thời gian dài như vậy. Một mình, tôi có dịp làm được nhiều chuyện mà tôi vẫn muốn, như là việc lau dọn thật kĩ toàn bộ nhà cửa chẳng hạn. Sàn nhà bếp cáu bẩn, nhà kho với cái mùi kỳ dị, căn phòng ngủ lộn xộn của hai đứa em, mớ quần áo cũ chẳng bao giờ được lôi ra sử dụng nữa…, từ lâu tôi vẫn muốn đưa chúng vào sự sạch sẽ ngăn nắp biết bao. Nếu có mọi người ở nhà, hẳn sẽ có những phát biểu kiểu như: “Nana bị điên rồi mẹ.” khi tôi chỉ nấu rặt các món rau cho bữa tối trong vòng hai tuần liền.

Những vết dơ biến mất sau khi được kỳ cọ làm tinh thần tôi phấn chấn. Không có ai khác ở nhà, tôi có thể chế biến thử các thực đơn mới, làm vài thí nghiệm nho nhỏ trong bếp. Cũng may là chưa lần nào tôi gây nên một mớ hỗn độn hoặc để món ăn bị hỏng. Giả mà sau này tôi kém quá, học IT không thành, tôi sẽ chuyển qua làm đầu bếp. Dù gì tôi cũng luôn tự tin mình không quá dở trong chuyện bếp núc. Trong thực tế, ngày còn nhỏ, tôi từng mong mình sẽ làm việc trong một lĩnh vực nghệ thuật nào đó, như là hội họa, ẩm thực, âm nhạc… chẳng hạn. Lớn dần lên, tôi nhận thấy con người ta cần thực tế hơn một chút mới sống được trong xã hội này.

Lúc rảnh rỗi, tôi cùng chiếc xe đạp màu xanh rủ nhau dạo phố, ăn kem hoặc window-shopping, nghĩa là chỉ ngắm hàng thôi chứ không mua. Rồi tôi lại sang nhà của 3 người bạn thân thiết, có lẽ trong kiếp sống này tôi sẽ không tìm được thêm những người bạn nào thân đến vậy. Thật tuyệt biết bao khi ở bên những người mà mình hoàn toàn không phải giữ ý. Tôi cũng bắt tay vào dọn dẹp căn nhà này. Thật ra không có nhiều thứ để làm vì chủ nhân của nó là người rất sạch sẽ và ngăn nắp, nếu không muốn nói “sạch đến mức quái đản”. Tôi đồ rằng đó là ảnh hưởng từ chính tôi.

Tôi làm bento và những bữa tối ú hụ gồm những món ăn mang nhiều quốc tịch cho cả bọn: phở Việt Nam, bún chả, ram, sushi, salad Nga, spaghetti, bánh bao kiểu Đức, bánh xèo… Chắc sẽ có nhiều người cười vì bento là cơm hộp để đem đi, chứ ai lại ăn bento ngay ở nhà. Thật ra tụi tôi có lý do cả. Chúng tôi không muốn đem những món ăn lạ đối với người Đức đến trường, nơi làm việc…, vì khi đó sẽ thấy mình rất lạc lõng, cách xa với những người chung quanh. Ăn xong thì cả 4 đứa chúng tôi, hoặc là coi tivi, hoặc là mỗi đứa chiếm một cái ghế dài nằm nói chuyện.

Chẳng vì cớ gì, tôi để Ryan trang điểm cho khuôn mặt của mình mà có lần cậu ta đã nói: “Số lần khuôn mặt này được trang điểm trong một năm có thể đếm trên đầu ngón tay.” :D Tôi vẫn thường cự lại cậu ấy: “Mình thấy không cần thiết. Với lại, son phấn dễ làm hư da mặt lắm.” Tôi quả có nghĩ thế thật. Nhưng trong những khoảng thời gian như vầy, tôi muốn làm một điều gì đó khác với tôi ngày thường một chút.

Tội nghiệp nhất là Takuya. Công việc căng thẳng, bận rộn nhưng chúng tôi chẳng giúp gì được cho anh. Đôi khi, Ryan có trở thành cánh tay đắc lực, còn lại Takashi và tôi chỉ biết buôn dưa lê với nhau chờ đợi những-con-người-chăm-chỉ. Lâu lâu lại nghe câu cảm thán: “Sự suy đồi đang ở trước mặt tôi. Tôi làm việc đầu tắt mặt tối là vì ai? Vậy mà mấy người không hề cảm thông gì hết.” Ngặt cái là tôi chẳng biết gì mấy về thế giới của sân khấu, nghệ sĩ, của những nhà làm phim ấy… và tôi cũng chưa bao giờ có ý định tìm hiểu.

Trở về nhà mình, tôi xem tivi, nướng bánh rồi đem chia cho những người già hàng xóm… Mỗi ngày cứ vậy trôi đi hệt như cuộc sống của một bà nội trợ.

Bầu trời tháng 7 thường nhiều mây xám và hay có mưa. Có những buổi sớm mai, trong lúc tôi đang đuổi theo những giấc mơ thì nghe tiếng mưa rơi đập vào ô kính cửa sổ. Cuộn mình trong chiếc chăn ấm áp, định quay trở về giấc ngủ - một điều tôi vẫn rất thích làm khi còn là một cô bé con hồi ở Việt Nam, cũng trong thời tiết như thế này. Nghĩ trong đầu vậy, nhưng rồi tôi lại bật dậy như lò xo, vươn vai… và tỉnh hẳn. Thay chiếc áo thun cộc tay sọc đen trắng, váy jean xanh đậm, chân xỏ đôi clog - bộ cánh tôi ưng ý nhất vào những ngày mưa mát mẻ vì tính năng động, ít thấy dơ của nó - tôi hăm hở bước ra ngoài với cây dù trong suốt trong tay. Cũng đến nửa năm rồi tôi không dùng cây dù này, kể từ sau lần bạn Alex tặng. Ôi, thật là tội lỗi quá! Nếu đi đâu xa, tôi vẫn muốn dùng cây dù Espirit màu lục hơn, vì nó nhỏ gọn, chắc chắn. Nhưng để dạo bước trong mưa thì tôi lại thích cầm dù trong suốt. Cảnh vật hiện lên xanh mướt rõ mồn một trước màn nhựa trong của cây dù.

Những hạt mưa tự do rơi, làn đất ẩm, tiếng mưa tí tách làm tôi thấy dễ chịu. Nhớ lại, ngày xưa Minh Đức từng nói rằng cậu ấy rất thích cái mùi này - mùi của đất trời trong và sau cơn mưa. Tôi thích mưa vì chúng gợi cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Chỉ xin trời đừng mưa vào những buổi sáng tôi phải vội vàng.

Có hôm mưa, tôi thích vào rừng - khu rừng gần nhà quen thuộc. Cây cối um tùm, tôi nghĩ, giá mưa có to thêm tôi cũng chẳng bị ướt. Gió rít qua những tán lá tạo nên vô khối hình thù và âm thanh kỳ dị. Ấy vậy mà tôi lại không sợ. Mưa tạnh hạt, tôi thong thả lượm lúa mì và hoa dại, định bụng sẽ đem về cắm ở nhà. Nếu bắt gặp đâu đó ngôi nhà bánh kẹo và biết chắc có mụ phù thủy ở trỏng, tôi cũng không ngần ngại tiến vào ăn thử như hai anh em trong câu chuyện cổ tích kia đâu.

Một khu rừng ở gần nhà thật tiện lợi, tôi luôn cho như vậy. Tuy nhiên, xây nhà ở giữa rừng sâu thì tôi xin kiếu. Tôi không đủ hoang dã và can đảm sống giữa muôn thú đâu. Anh đào, dâu, phúc bồn tử, mộc qua, táo, hạt dẻ, nấm, các loại rau, hơi tiếc là không có kiwi hay dưa mọc hoang… đến mùa thứ nào tôi lượm lặt thứ đó. Tôi đem chúng về nhà, một nửa để ăn, nửa kia để xay nước hoặc làm mứt. Khi tôi đang viết những dòng này, trong nhà còn 2 lọ mứt anh đào, 1 hũ mứt mận, 1 bình mứt phúc bồn tử - một phần trong các sản phẩm mang nhãn “made by tui”. Nếu may mắn gặp một bác nông dân dễ tính, thể nào chẳng được bác cho mấy trái bắp về nấu nước, làm xúp hoặc nấu chè.

Có khi, tôi giả vờ làm như mình vẫn còn chút siêng năng. Mở máy vi tính, xem mấy bài tập tự học lập trình. Được 1 tiếng đồng hồ, tôi đầu hàng. Trong một vài chuyện, tôi là đứa nếu không có động lực hay không có gì thúc ép thì chẳng thể thực hiện xong cái ý định ban đầu. Vậy là tôi tắt máy, ra ban công chăm sóc những bông cúc nhỏ. So với máy vi tính, quả thực chúng làm tôi khoan khoái hơn nhiều.

Khi không biết nên làm gì khác, tôi mở đầu DVD xem một số bộ phim đã mượn từ thư viện trước kỳ nghỉ hè, hoặc những thước phim tình cảm Hàn Quốc sướt mướt mà tôi luôn đoán và chờ đợi xem nhân vật chính nào sẽ chết, hoặc coi anime trên tivi. Càng coi càng thất vọng thay cho dàn lồng tiếng anime của Đức. Đâu rồi những nhân vật tôi yêu thích trong Conan, giọng của Ran sao chát chúa thế này, Shinichi mà nói ồm ồm như ông già thế á?! Cho nên tôi lại đâm chán, tắt tivi. Với lại, tôi cũng không muốn trở thành “couch potato” đâu.

Gần đây, ý nghĩ về gia đình chỉ có một người đang ám ảnh tôi. Ở nhà một mình có mấy tuần thôi mà tôi thấy mình “già” đi nhiều, có những hành động bất bình thường rồi. Không biết với cô hàng xóm mới của tôi thì ra sao. Gọi là cô, nghe trẻ vậy, nhưng cô cũng đã xấp xỉ 50. Cô là một trong những người sống khép kín nhất mà tôi từng biết. Nhiều lần tôi bắt chuyện với cô nhưng thấy cô lơ, tôi cho rằng cô không thích. Nhiều lúc, tôi tự hỏi, là do cô ấy chưa thể hay không muốn sống cùng một ai đó.

Khái niệm “gia đình” với tôi mà nói, nó gần nghĩa với “không một mình” vậy. Đó là khi tôi đi đâu xa, trở về nhà và nhận được những câu kiểu như “Welcome home!” Là lúc tôi đang mệt mỏi, chán nản đâu đó ở ngoài, và người nhà tìm thấy, dịu dàng nói: “Về thôi!” Là lúc giành xem chương trình truyền hình yêu thích, vẫn biết cuối cùng mình sẽ nhường nhưng cứ khoái tranh. Hay như lúc một người bị bệnh, những người còn lại, người mang thuốc, khăn chườm, người bê trên tay tô cháo nóng hổi, người thì xuýt xoa… Rồi cả những lỗi lầm dù to đến đâu cũng được bỏ qua, chỉ bởi “vì chúng ta là gia đình mà”.

Thỉnh thoảng, tôi cũng tưởng tượng ra một gia đình khá kỳ cục, gồm toàn những người bạn cùng trang lứa. Ấy là tôi đang nói về việc ở cùng 3 người bạn thân. Chà, Ryan sẽ đi khắp nơi, khi thì ở Ai Cập, có khi tôi sẽ nhận bưu thiếp cậu ấy gửi từ Nam Phi. Takashi sẽ tranh cãi trước tòa án, về nhà lại vùi đầu vào đống sách luật. Takuya thì khỏi nói cũng biết, đã, đang và sẽ luôn đem lại nguồn thu nhập chính, là trụ cột trong căn nhà 4 người. Còn tôi, nếu có đi làm, thì cũng là người ở nhà nhiều nhất, chăm lo dinh dưỡng cho cả bọn. Dĩ nhiên, những chuyện này về lý thuyết và trên thực tế đều bất khả thi. Nhưng dù không sống chung, với tôi, nơi nào có họ nơi đó cũng là gia đình.

Tôi bắt đầu nhớ trường cũ rồi, ngôi trường tôi mới rời khỏi cách đây hơn một tuần ấy. Nhớ mấy người bạn đôi lúc phát ngôn những câu nghe rất sửng sốt, nhớ các thầy cô giáo. Đến tôi cũng lấy làm lạ, từ khi bắt đầu đi học cho tới giờ, dù học ở đâu, dù không phải học sinh ưu tú gì cho lắm, tôi vẫn luôn có quan hệ rất tốt với các giáo viên trong trường, kể cả với những người được xem là nghiêm khắc nhất. Có lẽ vì ngày xưa bà tôi cũng là nhà giáo nên tình cảm kính trọng bà lây lan sang cả những người trong ngành giáo dục. Bản thân tôi cũng rất muốn trở thành một cô giáo mà.

Tôi nhớ rất rõ những lời căn dặn của cô Troeger - cô chủ nhiệm “cũ” của tôi (thật buồn khi phải dùng từ này). Tấm thiệp chúc mừng thi đậu của cô tôi vẫn còn giữ. Không biết là vô tình hay cố ý mà cô viết thành “Deine Klassenlehrerin” thay vì “Ihre Klassenlehrerin” (Trong tiếng Đức, “du”, “dich”, “dein”… là những đại từ nhân xưng ngôi 2 dùng với với tình cảm thân mật.) Ngày thường, cô Troeger luôn xưng hô với học trò theo kiểu rất lịch sự nên việc cô giáo chuyển đại từ nhân xưng làm tôi khá ngạc nhiên.

Cả món quà của cô Asal nữa chứ. Không biết trên mặt tôi có chữ “otaku” như Takashi nói thật hay không, cô Asal đã tặng tôi 2 cuốn manga. Vâng, manga đấy: “Hana Kimi” và “Fushigi Yugi” - đúng những bộ tôi thích. Tôi thắc mắc không biết cô đã đọc qua 2 cuốn này chưa, hay chỉ bốc đại. Khả năng cô Asal chọn cũng rất cao, vì trong truyện có rất nhiều những chữ như “suppi”, “tschüsi”… Đấy là những từ của giới trẻ, cô Asal tuy lớn tuổi nhưng thích dùng những từ này lắm. Cô kể cô vẫn luôn quấy rầy chồng cô bằng từ “suppi” (“tuyệt”) :D

Tôi nhớ những sáng đạp xe đi học. Hôm nào may mắn gặp cô Viesel - cô hiệu trưởng, tôi đều được đi “cổng VIP” - từ này là cô đặt tên cho lối đi tắt chỉ dành cho giáo viên. Tôi nhớ nước mắt của cô ngày chia tay với trường. Lần trò chuyện cuối, tay cô bị chảy máu. Tôi băng bó cho cô một cách vội vàng và vụng về. Không biết bây giờ cô đỡ chưa.

Nếu kể hết ra thì entry này sẽ dài lắm, tôi một khi đã nhớ cái gì thì sẽ nhớ và nghĩ miên man đủ thứ chuyện. Vậy nên tôi để dành cho entry sau: trường cũ.

Tôi còn 2 tuần lễ để nạp năng lượng, chuẩn bị cho một năm học tập và làm việc mới. Vẫn đi tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đang cân nhắc có nên tập Yoga và Vovinam hay không, gì thì gì cũng phải làm fit thân hình mập mạp này cái đã.

Viết trong một ngày đầu tuần của tháng Bảy đầy gió.

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Không phải tạm biệt mà là hẹn gặp lại


Mùa hè này vừa là mùa hè vui nhất mà cũng là mùa hè buồn nhất.

Nói thật đấy.

Nhiều người để gặp, nhưng cũng có quá nhiều người / nhiều thứ phải chia tay.

Cuộc đời cứ như một chuyến xe lửa dài vậy đó. Bạn gặp gỡ, trò chuyện, làm quen với nhiều người. Rồi sau đó họ chia tay bạn để tiếp tục cuộc hành trình riêng. Có những trạm xe bạn chỉ lướt qua, có trạm bạn dừng chân lâu hơn. Trong cuộc sống cũng vậy, có người chỉ đôi ba lần nói chuyện, có người tưởng chừng như ta sẽ gắn bó với họ mãi.

Nhưng rồi đến một lúc nào đó, chúng ta không thể đi chung lối nữa.

Ngày 6 tháng 11 năm 2006 – ngày viết entry đầu tiên nhân sinh nhật 16 tuổi, ngày 12 tháng 7 năm 2009 – entry cuối cùng khép lại blog Yahoo!360* mãi mãi. 979 ngày viết và đọc blog, 212 entries, 132 friends và 23 favorites, 22 707 page views (tính đến thời điểm đang viết bài này). Gắn bó lâu dài như vậy mà cứ ngỡ chỉ mới hôm qua.

Cảm ơn

Cảm ơn những người bạn đã ghé thăm blog tôi. Giữa hằng hà sa số các blogs, bạn đến với blog này, âu cũng là duyên vậy.

Cảm ơn những comments rất đỗi chân thành. Có những lúc tôi không trả lời comment của bạn. Nhưng thật sự, tôi hạnh phúc khi nhận được chúng.

Cảm ơn những bài viết của bạn. Chúng làm tôi khóc, làm tôi cười, làm tôi thấy bình yên.

Xin lỗi

Nhiều khi tôi bực mình, buồn bã, đem trút hết tất cả bầu tâm sự vào blog. Lỡ vô tình làm bạn cau mày, cho tôi xin lỗi nhé.

Vâng

Chúng ta biết nhau là một điều kỳ diệu.

Không

Mình không xa nhau đâu, bạn à. Trong tim tôi luôn có chỗ cho bạn mà.

Hẹn gặp lại, bạn mến!

P/S: Địa chỉ “nhà” mới của tôi:

http://nana-littleworld.blogspot.com/

http://honeyandclover611.wordpress.com/

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

Lại một tháng Sáu nữa qua đi


Tháng sáu là tháng của nhiều kỷ niệm.

Tháng sáu năm nay với tớ là dàn nhạc hợp xướng, vui có, buồn có, bất ngờ có, sợ có…

Nên nói về chuyện gì trước tiên nhỉ? À, chuyện đi thi!

Trăm lần, ngàn lần, vạn lần, triệu lần, tỉ lần… có cho tớ bao nhiêu tiền tớ cũng chẳng muốn đi thi chút nào.

Ngay từ giây phút đầu chuẩn bị cho kì thi, tớ đã thấy nó thực sự điên rồ.

Như môn tiếng Đức chẳng hạn, rõ ràng tớ muốn làm bài luận về đồng phục. Ấy vậy mà cô Asal cứ bắt ép tớ làm bài phân tích thơ của Goethe. “Nam Trân ơi, em phải cứu mọi người thôi. Nếu tất cả cùng chọn một đề tài, cô Viesel sẽ nổi giận.” Oài, chấp nhận lời yêu cầu của cô mà cứ mếu máo trong lòng: “Cô ơi, con đâu phải là thần thánh. Làm sao mình có thể làm tốt một việc mình không thích được.” Dù gì thì cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ không có cơ hội được điểm 1 trong bài thi viết. Cô Viesel muốn tất cả học trò thi nói mà.

Môn Chính trị chẳng có gì để nói. Thật vậy, ngoài chuyện cần học về StaSi (cảnh sát ngầm ở Đông Đức thời chiến tranh lạnh), dân chủ, nhân quyền - toàn những thứ nói ra “đao to búa lớn” cả - còn lại tớ chẳng biết gì hết. Việt được cô đưa cho một tờ giấy để học, trong khi mình và Dana không có gì để nhận. Bất công quá đi!

Môn Sinh vật thì cô Troeger gợi ý một câu: “Trong 4 đề các em chọn, 2 đề sẽ đến trong bài thi viết.” Câu này có thể coi là vế trước của câu: “Vậy nên các em cần học kĩ 3 đề trong 4 đề trên.” Cứ tưởng mình nắm chắc điếm 1 thi viết rồi chứ. Ai dè, cô thông báo: “Tất cả thi nói môn Sinh.” Hớ, xem ra ta đã quá chủ quan. Nó đã là một cú shock lớn với tớ.

Nói thêm, đề thi viết môn tiếng Đức và môn Sinh vật y như những gì tớ dự đoán. Cứ đà này, tớ nên chuyển nghề, không học IT nữa, làm nhà tiên tri thôi.

Tưởng thi viết đã đủ hài rồi, thi nói còn hài hơn. Ôi, chắc tớ sẽ không thể nào quên được ngày thứ tư, 24.06.2009. Đó là cái ngày nặng nề nhất, đầy stress nhất, ít ra là trong năm học này đối với tớ. Thi nói, đề tài là tôn giáo, thời kỳ Khai sáng. Shock nặng! Tớ đành nói thật với cô, tớ không có tôn giáo, và nói về Kito giáo, Thiên chúa giáo hay Tin lành thì tớ càng mù tịt. Mà mình thi đầu tiên nữa chứ. Cô Asal nói: “Học trò cưng của cô Viesel nên thế đấy.” May sao cuối cùng cũng qua ải. Buổi chiều thi nói tiếng Anh nên không run gì hết.

Thứ năm, 25.06.2009 là ngày thi cuối cùng của kì thi đầy áp lực này. Cầm đề thi Sinh vật trên tay mà tớ toát hết cả mồ hôi: “Gì thế này? Cái này cô đâu có dạy. Không hiểu gì hết.” Cũng may tình hình này kéo dài khoảng 2 phút thôi. Cô Asal đã trấn an và giúp tớ rất nhiều. Vậy mà vào phòng thi, đối mặt với cô Troeger và cô Viesel, lại chẳng thấy sợ tí nào. Cứ theo tiêu chí “bình tĩnh, tự tin” trả lời câu hỏi. Sau môn Sinh vật là đến môn hay làm bạn Nam Trân chết khiếp: Chính trị. Theo lịch thi thì tớ đứng thứ 3, sau Olga và Yang. Nhưng cô Viesel có hứng kiểm tra mình đầu tiên. Vâng, lại là đầu tiên đấy. Dù gì tớ vẫn thấy thi nói vui hơn và gay cấn hơn thi viết nhiều.

An ủi ở chỗ tớ quen được cô bé Isabel - học ở trường Pestalozzi, chỗ tớ thi ấy. Nó và tớ là hai đứa đến sớm nhất trường nên tớ bắt chuyện với nó. Con bé có phong cách tomboy làm cô Asal tưởng nó là con trai. Isabel thật dễ thương, giúp tớ và cô kê lại bàn ghế. Isabel và Isabela là hai tên khác nhau, cơ mà mọi người hay gọi nó là Isabela. “Em không thích điều đó chút nào.” Tớ hiểu cảm giác đó, bởi vì lâu lâu Richard hoặc cô Asal cũng gọi nhầm tên tớ hoài.

Quan trọng nhất, bảng điểm làm tớ rất hài lòng. Kể ra cũng hơi tiếc, vì đáng lẽ mình có thể đạt kết quả cao hơn, nếu đầu tư 100% cho kì thi. Hên cái là không bị điểm 3 cũng như điểm 4 nào, nếu không thì giờ này chắc bạn Nam Trân một là đang tìm chỗ ở, hai là bay qua Nhật rồi. Giải thích thêm chỗ này cho mọi người rõ: Trước khi thi, papy đã ra chiếu: “Chỉ được 1 hoặc 2. Nếu bị 3 hoặc 4 thì sẽ cho ra khỏi nhà. Còn điểm 5 thì đừng nhìn mặt nữa.” Hix, giờ nghĩ lại thấy buồn cười ghê. Mình đã lo đến mức nào: “Ba tạo nhiều áp lực cho con quá!” “Áp lực là gì?” “Là lực tác dụng vuông góc với mặt bị ép.” - lúc ấy mà mình còn tâm trí giỡn được. Mắc cười Ryan, còn nói: “Nana-chan đáng thương. Tụi này sẽ bảo vệ cậu. Nếu bị đuổi thì cậu biết chỗ em cần tìm rồi đấy.” - trông mặt Ryan khi nói câu này nghiêm trọng ghê.

Sau khi thi, cô Rippel, Dana, Yang và tớ rủ nhau đi ăn Sushi. Hờ hờ, sushi ở Việt Nam đã thấy mắc rồi, ở Đức còn thấy mắc hơn. Nhưng kệ, đi để tận hưởng cảm giác tuyệt vời sau kì thi mà. Với lại, tớ cũng muốn biết chỗ làm việc của Suthassine ra sao. Tiếc là chị ấy không có ở đấy. Cô Rippel trả tiền nước cho cả bọn, coi như là phần thưởng. Ăn uống xong xuôi, cô nói: “Lần sau nếu các em thấy cô ăn 5 đĩa rồi thì nói cô dừng lại nhé. Thêm một đĩa chuối nướng mật ong nữa là vừa.” (Trên thực tế, cô ăn tới 9 đĩa.) Tớ chả bao giờ ăn nối quá 6 đĩa cả. Về nhà, bọn Takashi lại rủ đi ăn sushi, đành khước từ: “Em không thể ăn sushi 2 lần trong một ngày.” “Cứ tới đi, không ăn sushi thì ăn cái khác.” Tưởng cái khác là gì, hóa ra là chè đậu đỏ made by Takuya. Chọc bọn họ: “Đáng lẽ trước khi thi người ta đãi chè đậu đỏ chứ, sau khi thi đãi làm gì nữa.” “Thôi, ăn đi mà, món có một không hai đó.” Nhưng công nhận so với người lần đầu nấu chè, món chè đậu đỏ đó là một trong những món ngon nhất tớ được ăn.

Có một điều khá lạ lùng, đó là, tháng sáu là mùa thi, bận rộn thế kia, vậy mà tuần nào mình cũng đi dự tiệc. Sở dĩ tớ không dùng chữ “phải” vì tớ chẳng bị ai ép cả, là do tự nguyện thích đi thôi. Học hành căng thẳng mà. Tiệc ở Deutsche Bahn, tiệc trong vườn chú Manfred, tiệc sinh nhật của Takuya, nướng thịt…

Tại Deutsche Bahn, tớ gặp lại các sếp cũ, trừ anh De-Jie (DJ). Bà Horst nói DJ còn đang lo giấy tờ của mấy người đi phỏng vấn. “Có vẻ như cậu chàng bị stress nhiều lắm.” Hihi, tưởng tượng anh DJ phỏng vấn người ta là đã thấy ngộ ngộ rồi. Sau tiệc, tớ đến vườn của chú Manfred một mình.

Tớ rất thích có một khu vườn như của chú Manfred. Có nhiều cây anh đào nè, có cả hoa linh lan (tiếc là qua tháng 6 rồi), đất rộng, không gian ấm cúng. Tớ đã làm sẵn xôi nước dừa cuốn rong biển, bên trong có trứng, dưa leo, thịt xông khói… (như sushi ấy), lại làm thêm ram đem đi. Ham hố mà. Lần nào đến cũng từng ấy người, cho nên không có ai bị coi là xa lạ. Tháng 7 này chú Manfred về hưu nên đồng nghiệp tặng chú ấy cái võng. Cái võng này chịu tải được 110 kg. Sẽ không có chuyện gì đáng nói nếu như chỉ có chú Manfred nằm trên võng. Đằng này, cô Meier - bạn gái chú ấy - cũng nhí nhảnh leo lên nằm cùng và xác thực lại thông tin của nhà sản xuất. Võng ta thôi thì rách toẹt. Mọi người được một trận cười đau cả bụng. Sau đó, cô Meier mắc cho tớ cái võng vải, để nằm ngủ chứ làm chi. Người lớn cứ nói chuyện, hát Hallelujah, bạn Nana nhà ta thì cứ ngủ thôi. Gió mát, hoa thơm mà, xung quanh là tiếng nói chuyện rầm rì rầm rì. Lý tưởng cho một giấc ngủ say quá đi chứ.

Lại nói về sinh nhật. Nếu như tớ không tìm được việc, có lẽ giờ này tớ đã phá sản mất thôi. Trong tháng sáu có hai sinh nhật của hai người tớ rất quý mến. Một người bước qua 20 -Takuya - một người 18 tuổi - Việt. Sinh nhật của hai người lại sát nhau 21 & 22 tháng 6, tức là cuối Song Tử đầu Cự Giải. Việt thật may mắn khi tớ còn nhớ chuẩn bị quà sinh nhật trước 2 tuần. Mà nghĩ đến Việt là nghĩ đến những thứ liên quan đến vi tính: USB, CD… Vậy nên đã chuẩn bị cho Việt những phần quà mà theo cảm nhận của tớ không thể có cái nào hợp hơn. Hơi thất vọng tí, cứ tưởng người nhận sẽ cảm động dữ lắm kia. Tính ghi đĩa nữa nhưng em Nero Burning phản bội tớ, em ấy không chịu nhúc nhích gì hết. Highlight trong mớ quà tặng này là tấm thiệp hình bàn phím. Nghĩ mãi không ra, từ đâu mình đã có em ấy nhỉ.

Takuya xui hơn. Hix, sát sinh nhật anh ấy mới nhớ ra là mình chưa mua quà. Cũng đúng thôi, trước giờ không có thói quen tặng quà cho anh vào ngày sinh nhật, vì không có cơ hội mà. Tặng quà cho người đầy đủ vật chất càng khó, vì chẳng biết họ đang thiếu, đang cần cái gì. Biết là anh thích đeo cà-vạt nên nhờ Ryan tư vấn cho màu sắc cà-vạt. Hix, mua cho bố thấy dễ mà sao mua cho anh khó quá vậy. Nhưng dù sao, anh cũng nhận quà extra rồi.

Nhờ tiệc sinh nhật của Takuya, tớ biết rằng khi say tớ sẽ “nói dối, nói thâm độc” (trích nguyên văn chủ xị). Hm, chẳng nhớ là đã nói gì với hội nữa. Hên sao còn nhớ việc viết thiệp sinh nhật cho Việt. Vậy là đành chờ hết say mới tự do sáng tác được. Nếu không, chắc mình sẽ ghi những thứ linh tinh, nhảm nhí và thâm độc. Sau khi đọc kĩ tấm thiệp lại nhiều lần, tớ thấy rằng tớ lại giấu nhiều thứ cần viết, nhưng tất cả những gì đã ghi đều là sự thật.

Mùa này là mùa nướng thịt. Đi đâu cũng nghe người ta í ới nhau tổ chức nướng thịt. Thứ sáu tuần này tớ đi nướng thịt ở Wiesbaden, chính xác là nướng cá, tại nhà một ông bác của Takashi. Ông ấy đi vắng, nhờ Takashi trông nhà hộ. Vậy là anh chàng tự do tự tại “khám phá khu vườn bí mật của bác”. Nhà ông này sát rừng. Thành thử trong lúc nướng thịt, trời đổ mưa, cả bọn chạy vào rừng. Không bị ướt tẹo nào. Có cảm giác mình đang trong phim “Hương mùa hè”. Không khí mát dịu sau cơn mưa, nằm nghe nhạc “Bokura ga ita”, “Totoro”, “Howl’s moving castle”, “Kiki”… [giờ mới để ý phim của Hayao Miyazaki toàn lấy bối cảnh mùa hè] và cả mùi cá thơm, chuyện trò cùng bạn bè thân thiết mang lại cảm giác bình yên như ngày xưa. Phải rồi, mình chỉ cần bấy nhiêu thôi.

Wie gesagt, wenn du bei meiner Seite bist, brauche ich nichts anderes.

{Câu này nói chung, trúng ai người đó hiểu.}

Đồ đạc cứ bị hư hoài. Đồng hồ của tớ không phải ngoại lệ. Tạm cố định sợi dây bằng đầu bút chì. Cũng hên là mình lúc nào cũng giữ lại mấy đồ lặt vặt, dù chúng bị hư. Xe đạp bị trật sên. Cố gắng tự sửa hoài không được vì tớ không đủ lực. Bàn tay lấm lem chùi lên mặt. Bọn Ryan được trận cười no cả bụng, còn gọi mình là “cô phù thủy lọ lem” nữa chứ. Tức. Trong những tình huống như vầy chỉ có Takashi sẵn sàng giúp mình thôi. Hì hì, bây giờ xe đạp chạy tốt trở lại rồi. Anh nói đúng đấy, không có đàn ông thì không ổn chút nào.

À, tớ có thêm một người bạn nữa: Ilan Neisse. Ilan trong tiếng Do Thái cổ có nghĩa là cây. Hihi, câu chuyện cũng hy hữu. Chả là anh này cũng là thành viên của trang web www.asiazone.de - cái trang web mà tớ không nhớ là đã đăng kí khi nào và cũng chỉ mới vào 2 lần. Anh này hồi trước chat với một chị cũng tên là Nana, cũng là member của trang web đó. Trong cuộc tìm kiếm địa chỉ Skype của chị ý thì anh tìm ra địa chỉ Skype của tớ. Ảnh nhảy vào hỏi một câu làm mình chẳng biết đường nào trả lời. “Sorry, but you might have made mistake. I don’t know who you are.” Tớ biết chắc có lầm lẫn chi đây vì một người chat đúng chính tả và lịch sự như vậy thì tớ không thể quên được. Quen nhau từ đấy. Biết được anh này là người Đức, nhưng từ lúc 4 tuổi gia đình chuyển qua sống ở Bỉ, bây giờ vì công việc anh ấy đến Frankfurt…vv…. Hai anh em có nhiều điểm tương đồng, dù cách nhau những 8 tuổi. Ảnh cũng thích ăn Sushi, Sauerkraut (cải chua), không thích Disco, yêu Bar… giống tớ, lại hiểu biết nhiều thứ, nói chuẩn 3 thứ tiếng Đức, Anh, Pháp (vì ở Bỉ). Thú vị nữa là Ilan đọc được suy nghĩ của tớ. Anh ta thuộc type người có thể làm người khác thấy dễ chịu. Thật đúng như cái tên đã nói, cái cây kiến thức và tỏa bóng mát đây mà. Có cơ hội quen được một người bạn như vậy, xem ra tháng sáu này của tớ cũng may mắn lắm chứ.

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009

Tạm biệt tháng Năm



Tình hình là 360.yahoo.com bị hư nên blog này không được cập nhật thường xuyên như trước nữa. Đó là nguyên nhân thứ nhất. Nguyên nhân thứ hai là do chủ nhân của blog đang ôn thi. Hix, học thì ít mà chơi thì nhiều.

Nhưng dù có cả tỉ lý do ngăn cản đi chăng nữa, truyền thống viết entry vào tháng-Năm-xinh-đẹp cũng sẽ không bị bãi bỏ. Với lại, tớ thấy tội nghiệp cái blog này sắp bị đóng cửa.

Nhìn chung, thời tiết tháng Năm năm nay không đẹp bằng mọi năm. Lúc nắng chói chang như đổ lửa, có lúc mưa ướt át cả ngày. Nhưng trời mưa mặc kệ trời mưa, ta vẫn có những chuyện vui bình thường.

Một số ngày đáng nhớ trong tháng: 06/05 (chuyến đi đến Michelstadt; gặp lại "người yêu dấu", có lại công việc), 16/05 (sinh nhật 18 của bạn Yichen; sinh nhật anh trai "Robo"), 10/05 ("Ngày của mẹ" - bán hàng quyên góp cho Kindergarten), 20/05 và 25/05 (sinh nhật của 2 người rất quan trọng mà mình lỡ quên), 29/05 (sinh nhật Takashi).

Về chuyến đi đến Michelstadt ngày 06/05 - một chuyến đi tớ đã rất mong đợi và có hơi thất vọng tí xíu, chỉ tí xíu thôi. Cơ bản là sau 2 tiếng ngồi tàu, đi đến nơi, thăm thú các nơi, xem Project của từng trường khoảng 2 tiếng đồng hồ nữa, thời gian còn lại cả binh đoàn lớp tớ ngồi ở cái ghế đá lạnh ngắt mà hứng gió và nói chuyện. Điểm hài lòng là được đi tàu khá lâu. Tớ vốn thích những chuyến đi dài mà.

Ngày 10/05 - "Ngày của mẹ" ở Đức. Tớ đăng ký bán hàng để quyên góp tiền cho Kindergarten. Khá vui dù mới đầu tớ hơi lóng ngóng. Thuở giờ chưa bán cocktail hồi nào nên nội chuyện nhớ công thức đã là một vấn đề khá "bự bự" với tớ. Dụ dỗ được nhiều khách hàng. Có mấy cô bé đợt trước tớ gặp ở Girl's Day mua ủng hộ thật nhiều.

Năm nay tớ phát minh thêm một phong cách chúc mừng sinh nhật nữa: viết thư tay. Cái này áp dụng cho anh trai "Robo" rồi. Tuy nhiên, không phải với ai thì cũng đủ cảm xúc+cảm hứng viết thư tay nhỉ. Với lại, chữ tớ theo thời gian và những giờ chép bài nhanh trên lớp đã dần dần bị mất đi nét đẹp tự nhiên của nó <-- nói quá đấy, bình thường chữ tui cũng chả đẹp gì đâu.

Tại sao mọi chuyện lại đổ dồn vào một lúc thế này chứ? Phải bình tĩnh lập thời gian biểu, sắp xếp lại công việc thôi.

Theo như tin đồn+email thì 360.yahoo.com sắp bị đóng cửa hoàn toàn, cụ thể vào tháng 7 năm nay. Không biết mọi người chuyển nhà đi đâu. Tớ thì quyết định rồi, khi nào chuyển nhà xong xuôi tớ sẽ gửi thư thông báo mọi người sau. Tạm biệt và hẹn gặp lại.

@ Hoa: bạn này, Trần Hoàn và tớ học chung trường từ cấp 1 đến cấp 3. Thú vị ha. Nhưng hồi mẫu giáo có lẽ tớ không học chung với 2 bạn. Trường mẫu giáo của tớ hồi xưa là trường giòng Đa Minh (đối diện trường Lương Thế Vinh - cơ sở mới).

@ anh Minh: Uhm, đúng rồi đó. Cho 100 điểm.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

April 20, 2009


Kết thúc đợt nghỉ lễ Phục Sinh 2 tuần, quay trở lại trường học và bận bịu với bài vở.

Thích nhất là được đi xe đạp giữa tiết trời mùa xuân.

Sắp đến tháng 5 rồi. Hoa anh đào rơi gần hết.

Nhớ!

[Entry súc tích với lý do chính là thử cái blog chuối.]

@ chị Chi: entry cũ chỉ là một ác mộng thôi, chị. Em vui tuơi yêu đời trở lại rồi.

Thương Chi!

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Tường thuật đợt thực tập ở Deutsche Bahn


[Hình minh họa không liên quan đến bài viết. Chỉ vì thấy đẹp nên đưa lên.]
[Entry này sẽ không có hình, vì bạn Nam Trân đã ký tên vào bản cam kết Protection of data privacy rồi. Lôi thôi cảnh sát đến nhà thì khốn.]

Deutsche Bahn là công ty đường sắt của Đức.

Đi thực tập nhưng cũng không khác đi học là mấy. Nếu sếp của tớ ở trường là cô Troeger và các thầy cô giáo khác thì ở đây sếp của tớ là Praktikumsbetreuer - học viên của Deutsche Bahn.

Tớ đã hơi bị shock khi nhận Wochenplan (dịch sát nghĩa là “Kế hoạch tuần”), nói nôm na dễ hiểu thì nó là cái bảng xinh xinh liệt kê công việc tớ được giao. Thế này người ta gọi là “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” đây mà.

Ở đây, mọi người bận rộn hơn ở chỗ thực tập năm trước của tớ nhiều. Mỗi ngày chỉ có 30 phút trò chuyện thôi, còn lại thì ai cũng dán mắt vào cái màn hình vi tính. Làm việc kiểu này hoài có lẽ tớ sắp phải đeo kiếng cận quá.

Ít có cơ hội nói chuyện nên tới giờ này tớ vẫn chưa nhớ hết tên của đồng nghiệp. Ngẫm lại thời gian này cách đây 1 năm, mình đã tám đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với Christina, Tim và Rene rồi.

Và vì tớ đã chọn ngành Công nghệ thông tin - ngành mà con gái được cho là quý hiếm, lắm chuyện “dở khóc dở cười” đã xảy ra.


Tuần lễ đầu tiên

Thứ hai, 09.02.2009

Tâm trạng rất háo hức khi bắt chuyến xe điện đến chỗ thực tập. Vừa bước xuống xe thì trời đổ tuyết. Dấu hiệu gì đây?

Ban đầu mọi chuyện có vẻ rất ổn thỏa. Cô thư ký dẫn mình đi giới thiệu với từng người trong khu Đào tạo. Mọi người ở đây rất thân thiện và cởi mở (lúc đó thực tình thấy vậy). Một anh học viên dễ thương dẫn mình đi xem từng chỗ: phòng họp, bếp, cantine...

Gặp sếp lớn, biết được hung tin: Mỗi tuần bạn Nam Trân sẽ làm việc dưới sự giám sát của một học viên ở đây. Mà học-viên-ở-đây toàn là con trai không hà.

Praktikumsbetreuer - sếp trực tiếp - của mình tuần này là anh Robert Seele. Nghe đồn anh ta là trưởng nhóm học viên ở đây, giỏi lắm. Nhưng không hiểu sao những người khác lại nhìn mình với ánh mắt ái ngại và đầy cảm thông thế này?

Ừ thì anh rất giỏi, biết rất nhiều thứ, cũng không đến nỗi khó gần, lại đẹp trai nữa. Nhưng làm việc chung với anh ấy rồi mới biết. Thôi ta nói ấn tượng phải biết.

Robert bị dị ứng với phụ nữ - chuyện này do những người trong phòng tiết lộ cho tớ. Con người ấy đã từng nói: “Càng ít phụ nữ, càng ít rắc rối”. Hừm, ở đâu ra quy tắc ấy thế nhỉ. Vậy ra, một tuần anh ấy “phải” quản lí mình đồng nghĩa với việc anh ta gặp nhiều rắc rối hơn thường ngày sao. Trong lúc tớ thực thi nhiệm vụ đầu tiên: lắp máy vi tính, anh đứng một bên nhìn rồi phán một câu khiến tớ giật mình: “Rốt cuộc em cũng chỉ là phụ nữ mà thôi.” Thú thật là trước giờ tớ chưa bao giờ dám mở máy vi tính của mình ra để xem nó có gì ở trỏng. Do đó công việc này tớ làm vụng về thật. Nhưng cái này thì liên quan gì tới phụ nữ chứ. Nghĩ thế chứ còn lâu tớ mới dám nói với anh ta. Ngày đầu đi làm không nên cãi nhau với sếp!

Anh rất khó tính. Giờ giải lao, tớ tranh thủ làm quen với các bạn đồng nghiệp khác {gọi bạn cho oai chứ họ đều lớn tuổi hơn tớ}. Anh lườm một cái, không chỉ có tớ mà cả những anh kia đều lập tức im bặt. Cả bọn nhìn nhau tủm tỉm cười. Đúng là nhóm trưởng đầy uy quyền.

Nãy giờ chê sếp không, chứ sếp cũng có nhiều điểm tốt lắm, lại vui tính và đôi lúc khó hiểu nữa.

Này nhé, khi tớ đang loay hoay với cái tua-vít, sếp ra tay giúp đỡ liền. Loáng một cái, anh ấy tháo nguyên con ốc mà tớ đã cố công vặn nó vào, còn cười đắc ý nữa chứ: “Xong rồi nè!”. “Nhưng em muốn vặn nó vào mà.” Sếp cười bối rối: “Oh, anh tưởng em muốn tháo nó ra.” Cả phòng được một phen cười no bụng. Lạ cái là không ai bị sếp lườm.

Thích sếp ở chỗ sếp không bao giờ cười nhạo trước những câu hỏi rất ư “ngớ ngẩn” của tớ. Thậm chí, sếp còn cấm những người khác cười.

Lúc rảnh rỗi, tớ ngồi xếp Origami - mục đích là để tạm xa cái màn hình vi tính. Anh đi ngang, thấy “sản phẩm” trên bàn của tớ, hỏi vỏn vẹn một câu: “Darf ich?” (tức là ảnh hỏi ảnh có được lấy không) rồi thò tay lấy luôn, không đợi câu trả lời của mình. Người gì đâu mà kiệm lời thế.

Không chỉ có sếp, anh bạn Trung Quốc ngồi gần sếp cũng gây shock cho tớ. Chả là anh ta hỏi tuổi tớ. Mình trả lời thành thật, anh ta lại không tin: “Có đúng là em 18 tuổi không đấy?” “Vậy chứ anh nghĩ sao?” Anh ta chỉ cười. Chơi khó nhau thật đấy, anh bạn.

Cuối ngày rút ra một điều: Vạn sự khởi đầu nan.


Thứ ba, 10.02.2009

Mới sáng ra mà mưa gió ầm ầm. Cây dù Espirit màu lục nhóc Việt tặng đã suýt làm tớ một phen khốn đốn.

Cũng tại tớ quên đội mũ, lại không cột tóc, chỉ kẹp mái. Vậy cho nên cái móc dù bằng sắt vướng vào tóc tớ, gỡ hoài không ra. Lúc ấy tớ chỉ đứng cách cánh cổng Deutsche Bahn nửa mét thôi.

Không biết là may hay xui, sếp Robert cũng vừa tới. Nhìn thấy cảnh tượng “không giống ai” của tớ, dĩ nhiên làm sao anh ta không khỏi bị shock. “Em đang làm gì vậy?” “Em muốn thử độ chắc của tóc.” “Rồi ra hậu quả thế này à?” Nhờ có sự trợ giúp của anh, cuối cùng tớ cũng được giải phóng khỏi cái móc quái quỷ đó. Mất vài sợi tóc, đầu thì bù xù. Robert đã cảm thán thế này: “Trông em kinh khủng quá!”. Ngại ghê, ngại ghê…

Quả shock thứ hai tớ thả cho sếp là câu nói: “Em hoàn thành xong tất cả nhiệm vụ tuần này rồi.” Anh ấy trợn tròn mắt một hồi rồi cũng trấn tĩnh lại: “Vậy anh sẽ giao cho em chuyện khác.” Thấy mình thật là ngu, sao lại làm nhanh để rồi có thêm công việc thế này.


Thứ tư – thứ sáu (11.02 – 13.02)

Mọi chuyện diễn ra khá là suôn sẻ. Tớ cũng đã khá thân với anh Robert nên không ngại chọc sếp nữa. Chỉ có cái là công việc nhiều quá, làm luôn tay. Tớ bỏ luôn giờ nghỉ giải lao.

Cuối ngày thứ sáu, sếp gọi lại để đánh giá công việc trong tuần. Nói chung là sếp nhận xét hơi bị đúng về mình: “Em thân thiện, dễ thương nhưng đôi lúc giữ kẽ với mọi người.” Cũng đúng thôi, tuần đầu tiên mà. Tớ chưa lộ rõ “bản chất” thực sự.

Riêng về cái khoản khéo léo thì sếp cho mình điểm giữa con 2 và con 3, kèm thêm một lời giải thích: “Ờ thì em rất giỏi trong việc xếp giấy nhưng mà thao tác với ốc vít thì không được chút nào.” Tạm chấp nhận, tại sếp cũng nương tay cho mình ở mấy khoản kia.

Các anh khác nói: “Đúng là phong cách của Robert. Cô nhóc khá lắm! Chưa ai nhận được điểm 1 từ tên này đâu.”. Thật ra, tớ thấy sếp chấm điểm vậy là quá nhẹ tay đó chứ. Tớ vẫn còn phải học nhiều điều.



Tuần lễ thứ hai (16.02 – 20.02)

Ngày thứ hai, tớ đến hãng và vẫn chưa được thông báo ai sẽ là Praktikumsbetreuer của tớ kỳ này. Gặp bà Horst – sếp lớn – để trình bày sự vụ; bà ấy lại gọi anh Robert xuống. Sau mấy phút nói chuyện, cuối cùng tớ cũng yên tâm là tuần này mình không thất sếp.

Khi chỉ còn hai anh em với nhau trong thang máy, anh Robert hình như muốn “trả đũa” nên nói: “Thế nào? Em khỏe không? Em là con bé phức tạp và rắc rối nhất mà anh từng gặp.” Đáp lại anh ta: “Anh cũng là người lắm chiêu mà.” “Con bé này không biết sợ là gì.” Trong bụng nhủ thầm, không dám và cũng không muốn nói: “Bố em khó tính hơn anh nhiều em còn không sợ nữa là.”

Đây là tuần lễ đẹp nhất trong đợt Praktikum kì này của tớ. Marc Spreier - sếp tuần này - cực kỳ dễ tính, dễ thương, sẵn sàng giúp đỡ khi tớ gặp vấn đề với máy tính.

Tuần này cũng đánh dấu sự quadixang (quăng đi xa) của cái USB mà tớ từng mua rẻ từ một người quen. Mắc cười ở chỗ sau khi được rút từ máy vi tính của sếp Marc ra, em USB ấy “chết” luôn. Vậy nên sếp bị tớ trêu: “USB của em nó sợ anh quá nên nó tiêu rồi.”

Tớ đã có quá nhiều kinh nghiệm thương đau như vầy nên không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. Cũng may bao nhiêu dữ liệu tớ đã lưu vào một USB khác, rồi lưu cả vào ổ cứng nữa. Làm vậy mới chắc ăn.

Như đã nói, sếp Marc rất dễ tính nên kết quả là bạn Nam Trân có bảng đánh giá đẹp như mơ. Cột nào sếp cũng cho tớ điểm 1.

Anh Marc chọc anh Robert: “Này, thấy bảng đánh giá tôi làm sạch sẽ và đẹp không này. Đánh máy cẩn thận đấy. Đâu có như cậu, viết xấu mà lại thích viết.” Robert cự lại: “Thưa ông Spreier, người ta chừa dòng là để mình viết mà.” Nhìn bảng đánh giá, anh Robert lắc đầu: “Không được rồi Marc, cậu chìu con bé quá!”

Hai người nói qua nói về làm cả phòng cười ầm ầm. Vui thật.



Tuần lễ thứ ba (23.02 – 27.02)

Một tuần với đủ thứ chuyện, cả xui lẫn hên.

Phụ trách tớ tuần này là anh Trung Quốc, bạn thân với anh Robert. Tên anh này thực ra là Tse De Jie (Đê-ji). Nhưng ở đây mọi người gọi anh là DJ (Đì-jây).

Anh rất rất rất đặc biệt.

DJ trông rất ngầu – chưa bao giờ tớ thấy con người này cười lớn. Trái với sếp Robert, sếp DJ không hề thích áo sơ-mi, anh ấy đeo hoa tai ở cả 2 bên, luôn mặc áo thun quần jean và luôn có cái khăn quanh cổ… Nghĩ cũng hay, thường những người khác biệt nhau nhiều vậy là những người bạn thân nhất.

Thú thật mà nói, làm việc với sếp DJ khiến đầu óc tớ lúc nào cũng căng thẳng. Không phải do yêu cầu của anh quá cao mà là do cách nói chuyện của sếp, bossy kinh khủng! Sếp DJ nghiêm khắc hơn cả sếp Robert (Robert chỉ khó tính thôi). Nhưng cũng nhờ sếp nghiêm như vậy nên tuần lễ này tớ học được rất nhiều thứ có ích.

DJ chỉ cho mình cách tự học lập trình C++. Thật ra ngày trước bạn Trân có học một ít rồi, nhưng sau mấy năm thì kiến thức lập trình của tớ gần như tờ giấy trắng. Anh đã rất ngạc nhiên khi trong 2 tiếng đồng hồ tớ hoàn thành xong 9 bài tập về C++: “Du Scheiße!” - đại khái giống kiểu tiếng Việt mình nói “Em đúng là thú vật.” (đừng bắt tớ dịch câu này sát nghĩa, nghe nó kì lắm)

Sếp nghiêm nhưng cực kỳ tốt bụng. DJ hay truyền lại những kinh nghiệm của anh ấy cho tớ. “Nói riêng với em, vì em cũng là người châu Á như anh…” - mỗi lần anh mở đầu như vậy là tớ biết anh sắp sửa nói cho tớ một vài kinh nghiệm để có thể thích nghi với công việc ở Deutsche Bahn.

DJ rất quan tâm tới thực tập sinh. Hôm thứ năm, khi tớ chuẩn bị gặp ông Groth – sếp bộ phận đào tạo để nói về chuyện xin thực tập một năm, anh đã hỏi tớ: “Có cần anh đi cùng không? Anh nói giúp cho.” Hix, nghe mà cảm động muốn khóc. “Không sao đâu. Nếu ngay cả chuyện này em không tự làm được, thì làm sao làm được những chuyện quan trọng hơn.”.

Nhờ sếp chỉ bảo nên tớ đã hoàn thành thật tốt bài thuyết trình kết thúc đợt thực tập ngày thứ sáu. Nhớ trước lúc thuyết trình, thấy tớ hơi run, DJ đã nói: “Em làm gì khác đi, lướt web hay chơi game gì cũng được.”, “Em chỉ cần ngồi đợi sếp lớn thôi, sợ làm gì!” v.v. Sếp nói vậy mà tớ vẫn còn sợ. Gan tớ thua cả gan thỏ đế mà. Thay vì làm như lời sếp nói, tớ ngồi ôn lại bài thuyết trình. Sếp chậc lưỡi: “Anh đâu nói em đọc mấy kiến thức IT lằng nhằng này.” Ngày hôm đó cũng là lần đầu tiên nghe sếp khen: “Good job!”.

Độc đáo hơn ở chỗ, DJ photo bảng đánh giá, đưa cho tớ một bản và nói: “Trước tiên anh muốn nghe ý kiến của em tự nhận xét về mình.” Tớ nhận thấy cách làm việc này thật hay và hiệu quả hơn hẳn phong cách của sếp Robert hoặc sếp Marc. Đôi bên đều có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình.


********************************************


Ba tuần thực tập trôi qua nhanh chóng. Điều vui mừng nhất là tớ đã xin được một chỗ thực tập cho năm học sau, cũng ở Deutsche Bahn. Vậy là còn được gặp và làm việc với những con người tử tế này.

Trước lúc về, tạm biệt các anh (đáng tiếc là không thấy chị gái nào) và nói với theo một câu: “Hẹn gặp lại vào tháng 8!” Anh Steinmüller giật mình hỏi lại anh DJ: “Con bé vừa nói gì? Tháng 8 à?” DJ từ tốn trả lời: “Nó xin được chỗ thực tập một năm ở đây rồi.” Tớ hỏi đùa: “Các anh không muốn gặp lại em à?”; vậy là bị mọi người nói như đuổi về: “Thôi nào, em về nhà đi. Hẹn gặp lại.” Lúc ra về còn nghe văng vẳng tiếng anh DJ: “Robert nói đúng thật.” Hihi, trong 3 tuần qua đúng là tớ đã gây ra cho các anh ấy nhiều rắc rối.



Chuyện ngoài lề:

- Trong thời gian thực tập, tớ được nhận thẻ thông hành và thẻ ăn. Khi nộp thẻ lại mới nhớ ra, trong thẻ ăn của tớ còn mấy xu lẻ. Ông sếp Groth móc trong túi ra 50 xu, ép tớ nhất định phải lấy, dù tớ đã nói với mọi người: “Thôi để tiền đó xung vào công quỹ vậy.” Bà Frost (cũng là sếp) trợn mắt bặm môi: “Lấy đi!”.

- Căn-tin ở Deutsche Bahn đẹp và nhiều thức ăn ngon. Chỉ có cái là thức ăn đắt đỏ quá. Tớ chỉ ăn 2 bữa ở đó thôi, mấy ngày sau tự gói đồ ăn đem theo.

- Cách sử dụng thẻ ăn khá phức tạp. Dù đã được anh Robert chỉ cách dùng vào ngày đầu tiên, trưa hôm tiếp theo tớ cũng quên. May có một bác lưng gù tốt bụng đã chỉ dẫn tớ rất tận tình. Con người ở đây quả rất dễ thương và tử tế.

- Anh Robert thường mặc áo sơ-mi dài tay và hay quấn bàn tay phải. Lúc đầu tưởng sếp làm dáng, ai dè sau này mới biết sếp tháo máy, bất cẩn bị thương ở tay. Vậy mà chê người ta là vụng về.

- Chỉ có anh DJ chịu gọi tớ bằng cái tên Nana. Anh Marc cố gắng gọi tên họ tớ nhưng không được vì khó quá. Anh Robert thì trước sau như một: “Hey, du!” (Này em!).

- Làm cùng phòng với tớ là anh Thomas Herrling hiền như cục đất. Anh hiền, lại làm việc giỏi nên mọi người hay sai anh nhiều chuyện, nhất là sếp DJ. Sếp DJ hay nói: “Thomas, I need your help.” Mỗi lần vậy mình trả lời sếp: “I can help you.”, vì thấy anh Thomas đã quá bận rộn rồi. Y như rằng bị sếp sạc lại ngay lập tức: “Nhiều chuyện. Lo làm việc của em đi.” Thật là!

- Anh Thomas hay giúp đỡ tớ nhiều thứ, nhất là trong việc lấy mấy dụng cụ, máy móc ở trên cao. Tớ hay đùa với anh: “Lợi thế của người cao là vậy đấy.”. Anh lúc nào cũng cười thật hiền. Ngày cuối cùng, đáng lẽ được về sớm, nhưng tớ tình nguyện ở lại giúp anh ghi đĩa. Nhìn tớ làm, anh hỏi: “Sao em thành thạo quá vậy?” Bèn cười trừ đáp lại, chả lẽ nói thẳng với anh ấy: “Ngày trước em kiếm sống chủ yếu bằng nghề này không đó anh.”.

- Hôm thứ tư (25.02) – được gọi là “Thứ Tư tro” – bên tàu điện ngầm tổ chức đình công nguyên ngày, làm tớ đến muộn 30 phút. Đến nơi, đã hoảng lắm, gặp sếp DJ còn bị anh chọc: “Vì em lười nên đến trễ hả?”. Nói xong, anh cười rất nham hiểm. {Sở dĩ biết chắc anh ấy chọc vì trước đó tớ đã gọi điện báo trước các sếp: “Có lẽ em sẽ đến hơi trễ.” rồi.}

Thông tin cụ thể về ngày thứ Tư u ám này tớ sẽ ghi lại ở entry sau.



Reply messages:

@ anh Minh: em mở blog lại rồi. Chuyện đó anh cố gắng giúp em nha. Sẽ có hậu tạ sau. (Hihi, nếu ông trời cho mình gặp nhau.)

@ bạn Thông: Entry đang edit nên mới phải đóng blog. Tớ vẫn rất khỏe. Cảm ơn Thông.

Bạn của Thông học ở Đức mà vẫn đang nghỉ đông à? Vậy là bạn ấy ở khác bang chỗ tớ rồi. Bang tớ (Hessen) đã kết thúc kỳ nghỉ đông từ lâu. Giờ đang chuẩn bị đón xuân.

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2009

Thứ Sáu ngày 13 nhẹ nhàng


Ai cũng bảo ngày hôm nay là xui xẻo. Nhưng có lẽ vì đã ăn chocolate xả xui, ngày hôm nay trôi qua với mình cũng không đến nỗi tồi.

Điều xui nhất là không kiếm ra giáo trình học tiếng Ý cho dzợ iu. Giáo trình thì có đầy, nhưng toàn là bằng tiếng Đức. Hy vọng là Alex tìm được giúp mình.

Mùa Valentine, trong nhà sách có quyển "Kokology cho những người đang yêu". Bình thường nhà sách cũng bán Kokology, nhưng bữa nay nó nằm chình ình ngay cửa ra vào. Alex hỏi: "Kokology là gì vậy?". Giải thích cho cậu ấy - dĩ nhiên là theo cách hiểu của mình - đó là một dạng trắc nghiệm tâm lý, khám phá tình cảm thông qua hành động, cách xử sự trong mỗi tình huống. Alex nhiều chuyện còn hỏi Kokology chính xác không. "Cái đó tùy từng người. Với mình xác suất đúng của Kokology là 90%."

Ngày mai là Valentine rồi. Lại thêm một Valentine nữa, tớ không có đôi có cặp như người ta, mà cũng không cô đơn tẹo nào.

Chúc mọi người lễ Valentine thật vui bên người mình yêu.

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2009

13 ngày qua


Bạn cũ

Chuyện này bắt đầu từ một ngày đẹp trời, tớ tự nhiên nhớ tới một cô gái tên Minh Trang, lưu ý là không phải vợ tớ nhé (đời mình có duyên với những người tên Minh Trang ghê gớm). Chả là ngày trước, cô ấy thường đi chung chuyến xe bus với tớ và hai đứa thường ngồi gần nhau. Bẵng đi mấy năm, đang yên đang lành, tự nhiên nhớ người ta cũng lạ. Chắc là ông trời có ý đồ gì đây.

Nghĩ vậy, tớ lên Google search mấy chữ minh trang+360+blog, vì cô ấy từng nói rằng có viết blog trên Yahoo!360* đó mà. Thôi thì mấy chục ngàn kết quả hiện ra, mới nhìn đã thấy nản. Vậy là cứ click chuột tuỳ hứng, trúng Trang nào thì trúng. Đến lượt thứ mười mấy thì cuối cùng tớ đã phát hiện.

Không phải blog của cô bạn Minh Trang tớ đang tìm, mà là blog của cậu bạn Lợi Minh Trang, người bạn học năm lớp 9 của tớ. Ta nói mừng quá trời quá đất luôn.

Mỗi lần nghĩ đến cái tên này, tớ lại nhớ về hình ảnh một đứa con trai có gương mặt khá đẹp, ngồi sau lưng tớ. Cùng với Minh Đức, Minh Trang suốt ngày chọc tớ cười. Không ngày nào là tớ không cười đau bụng bởi những trò lố quái dị của hai đứa nó.

Nhiều người hay gọi Minh Trang là Lợi. Cũng đúng thôi, cái tên Minh Trang nghe “con gái” quá mà. Ngày đầu tiên của năm học lớp 9, coi bảng danh sách lớp, mấy chục nhân lớp tớ đã khẳng định: Minh Trang là một bạn gái, chắc là đẹp và hiền lắm, người sao tên vậy mà. Ừ, cậu ấy đẹp và hiền thật, nhưng là con trai. Tớ thì hay gọi Minh Trang là mama Choi - vì lúc ấy tớ nhiễm Daejanggeummania (tạm dịch là “hội chứng Dae Jang Geum”).Với lại, cậu ta loi choi thiệt.

Và không khó khăn gì để tớ tìm ra được blog của người bạn cũ thứ hai: Trinh Phương. Phương vẫn vậy, vẫn rất “trầm”. Bây giờ cô bạn tớ là một nhiếp ảnh gia tài năng đấy. Thích cái serie ảnh “Ảo vọng” mới được chụp của bạn. Nhưng nick chat của Phương tớ vẫn chưa có.

Lại nói về Minh Trang. Chat với hắn, mới thấy đúng là “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Hắn vẫn bộc trực, vẫn hay mắng tớ là zô ziên, và vẫn rất tốt bụng. Nhớ có lần hắn và Nguyệt Nga đến nhà tớ, bà tớ khen hắn quá chừng luôn. Nào là: thằng nhỏ dễ thương, tử tế, lại hiền nữa... Mà công nhận hắn hiền thiệt. Dạo này, gia đình hắn đang có rắc rối. Nhưng ông là một người rất bản lĩnh mà, tui tin ông sẽ giải quyết mọi chuyện êm thấm thôi. Cố gắng lên ông nha!

Thông qua Minh Trang, tớ biết nick của Hoài Trung, người bạn mà tớ vẫn hay nhắc trên blog ấy. Sáng nay vừa chat với cậu ta. Hừm, mấy năm rồi mới có người gọi mình là “hột mít luộc”. Cậu ấy vẫn nói tớ “cố gắng lên” như ngày nào. Quên hỏi cậu ấy tại sao lấy nick là “Đểu giáo sư”. Nhìn mặt cậu ta thì đểu thật nhưng tính tình tốt lắm, không đểu chút nào, ít ra là đối với tớ. Có lẽ, vì cậu ấy là bạn thân của mình nên nhận xét hơi thiên vị chăng.

Người bạn thứ tư tớ kết nối được là Nguyệt Nga. Tiếc rằng tớ không còn nhớ tại sao tớ biết nick của cậu ấy. Nói đúng hơn, linh cảm mách bảo tớ đó là nick của Nga. Thường thì linh cảm của tớ chính xác đến 90%. Không nói quá đâu.

Chẳng hiểu sao nhớ đến Nga là nhớ đến sự tích cái bàn. Chuyện là thế này: ngày xưa cô bạn thường “đe dọa” tớ: “Tui sẽ làm cái bàn này sập cho bà khỏi ngủ luôn.” Bàn học của trường Lê Quý Đôn là loại bàn gấp, khi ngủ thì mở bàn ra. Vậy là cứ một cái bàn sẽ trở thành hai chỗ ngủ. Tớ nằm ngoài rìa, tức là bàn đầu ấy. Các cô bảo mẫu xếp chỗ sao mà tớ được độc chiếm luôn cả cái bàn, khỏi lo đang ngủ bị rớt. Trớ trêu thay, cái bàn ấy thuộc loại dỏm. Đinh ốc của nó bị lỏng ra từ lâu. Trong một lần cao hứng, bạn Nga yêu dấu của tớ nhảy thụi thụi lên phần mặt bàn còn lại. Thôi thì bàn ta trở thành tàn phế. Cô bảo mẫu nghe ồn, chạy tới thấy cái bàn hư, hỏi chuyện. Nhìn mặt Nga tái mét tớ vừa thấy mắc cười vừa thấy thương. Dĩ nhiên tớ bao che liền, chậc lưỡi với cô: “Cô ơi, bàn này cũ quá rồi. Con vừa giở bàn ra mà nó đã thành thế này đây.” Tớ không phải là đứa phá hoại của công, dĩ nhiên cô tin liền. Ngày hôm sau, tớ có bàn mới để ngủ. Công này thuộc về Nguyệt Nga.

Chuyện trò với những người bạn cũ thấy thoải mái và dễ chịu thật.


Phan Tiến Dũng

Một người bạn tớ rất mến.

Nghe Minh Trang kể, mới biết tin ba Dũng vì bị bệnh gan đã chết.

Cuộc đời vô thường quá.

Thời cấp 2, bọn trẻ con vô tư nông nổi. Ngày đó, đa phần học trò lớp tớ không thích bác Dự, ba của Dũng. Thú thật tớ cũng nằm trong nhóm ấy, chỉ vì bà ngoại tớ không ưa bác. Cái này người ta gọi là a dua đây mà.

Nay biết tin bác mất, làm sao không khỏi xúc động.

Người chết trở về cõi vĩnh hằng, để lại bao nỗi nhớ thương và trách nhiệm cho người ở lại.

Rồi đôi vai của Dũng sẽ phải chồng chất thêm nhiều mối lo, lo cho mẹ và em gái, và lo cho cả chính mình nữa.

Dũng ơi!

Mọi chuyện tớ nghe đột ngột và bất ngờ quá. Tớ biết, dù có an ủi gì, nói gì, tớ cũng chỉ là người dưng qua đường. Tớ không thể giúp gì cho cậu. Nhưng can đảm lên, Dũng à!

Tớ tin cậu.


Tết bận rộn nhất

Quả đúng vậy. Cô Asal nhẫn tâm quá, cho bao nhiêu là bài tập, rồi còn thuyết trình, kiểm tra nữa. Tớ lại có Projekt Mittagstisch với cô Troeger. Vậy nên cứ phải vắt chân lên cổ mà chạy.

Đến bây giờ có vẻ mọi chuyện đã đi vào quỹ đạo.

4 tuần lễ Mittagstisch đã trôi qua. Rồi tớ sẽ nhớ bọn trẻ lắm. Natascha, Miguel, Michaela, Martin, Florian... bọn nhóc tỏ vẻ buồn vào ngày cuối cùng của tớ. Chúng còn hỏi: “Chị không làm Mittagstisch nữa sao? Tiếc quá!” Tớ đồ rằng bọn trẻ tiếc vì tớ thường cho chúng nhiều đồ ăn và hay hỏi han chúng.

Cô bé Natascha đã tìm được một người bạn mới - một cô bé khác cũng thật dễ thương. Còn nhớ những ngày đầu, con bé thường hay đến ăn một mình, gương mặt thì lúc nào cũng trông như là muốn khóc. Vì vậy, tớ đã đặc biệt chú ý đến nó. Nghĩ cũng lạ, tớ thường dễ nói chuyện với những đứa “một mình” hơn. Từ từ hỏi han, mới biết bố Natascha bị bệnh tim, phải mổ, cơ hội thành công không cao. Con bé từng có một người bạn gái rất thân, nhưng giờ cô bé ấy đang du học bên Mỹ.

Thế là máu “anh hùng cứu rỗi” trong người tớ nổi dậy. “Phải làm gì đó giúp cô bé này thôi. Phải kéo nó ra khỏi vũng lầy này.”, tớ nghĩ bụng. Tớ tặng cô bé một món quà kèm theo một bức thư, bên trong là những lời nói như của một người chị với đứa em. Tớ không biết chắc có phải những lời đó đã tác động gì tới cô bé không hay còn nhờ vào một thiên thần hộ mạng nào khác, con bé “tiến bộ” rõ rệt. Nụ cười tươi tắn của nó ngày nay mới xứng với cái tên Natascha Gottesleben (sinh linh của Chúa) chứ.

Bài thuyết trình cũng đã trôi chảy, mặc dù không hoàn hảo như ý muốn của tớ. Cũng phải thôi, chỉ có 3 đêm chuẩn bị mà. Hoàn hảo thế quái nào được. Nếu tự cho điểm thì tớ sẽ cho tớ con 2, nương tay chút nữa thì cho cái dấu cộng để khuyến khích.

Nói về bài kiểm tra tiếng Đức, trải qua 4 tiếng đồng hồ với cô Asal (sau đó được cô cho chocolate), tớ có cảm giác tớ đã viết tiểu thuyết ấy. Haha. Như mọi khi, bạn Nam Trân là người cuối cùng nộp bài. Tiêu chí của tớ không làm người đầu tiên thì làm người cuối cùng mà. Không biết kỳ này mình sai bao nhiêu lỗi ngữ pháp ngốc nghếch nữa.

Ngày mai là ngày đầu tiên thực tập ở Deutsche Bahn. Háo hức ghê!


Những người muôn năm cũ

Thật sự nó không lâu quá như vậy đâu.

Gặp lại gần hết những người đã lâu không gặp: chị gái có gương mặt giống hệt Mika Nakashima, chàng hoàng tử nhỏ dễ thương - nhưng nàng tiểu thiên thần đã chuyển nhà rồi, kết thúc cái một câu chuyện tình bạn thanh mai trúc mã - buồn thế đấy, Shinji - ông anh mê Rock với cây guitar bên người, ông lão nhân từ…

Chị gái có gương mặt giống Nakashima có vẻ hơi buồn. Thấy vậy, tớ giúi vào tay chị một nắm kẹo. (Vì lý do bệnh tật, bạn Nana đi học thường mang kẹo.) Hy vọng, vị ngọt dịu của nó sẽ làm chị đỡ hơn.

Ngày đầu năm, tức là mùng 1 Tết, bị bạn Alex lừa một vố. Kiểu này chắc cả năm bị lừa quá. Alex rủ đi chơi 14 tháng 2. Từ chối cái một. Trễ rồi bạn ơi, ngày đó có tới mấy người “đặt” tớ rồi.

Hai nhóc em coi ảnh của chị. Đứa lớn thì: “Hình chị đẹp.” Thằng nhỏ thì: “Hình chị đẹp hung.” Biết là tụi nó nói nịnh nhưng vẫn thấy khoái. Đầu năm đầu tháng được khen đẹp mà, ai chẳng thích.


Trò chơi vui

Biết cái trò này lâu lắm rồi, nhưng chưa có dịp thử. Ngày đầu năm, chơi cho nó hồi hộp.

Để iPod chơi nhạc ở chế độ shuffle, sau đó đặt câu hỏi, chờ xem bài nào sẽ trả lời.

Kết quả dưới đây không biết gọi là amazing hay scary nữa.

Câu 1: Cuộc sống tớ dạo này...: Only Love - Trade Mark. Trúng ngay bài này mới ác chứ. Rồi thì là “But only love can say...” Hehe, con người tôi lúc nào mà chẳng yêu đời, yêu người.

Câu 2: Nickname của tớ là: Doraemon. Một chú mèo máy xanh da trời, béo tròn, có cái túi bảo bối với cái lục lạc bị hư, không có tai vì bị chuột gặm mất... là em đây. Ngày trước cũng có vài người nói tớ là Doraemon vì trong cặp tớ luôn có sẵn những đồ dùng cần thiết.

Câu 3: Nhạc chủ đề của tớ là: Return to Innocence - Enigma. Hix, xem ra là dạo này đầu óc bạn càng lúc càng đen tối.

Câu 4: Nhạc chủ đề của bạn bè tớ: Tiếu ngạo giang hồ - 12 girl band. Hơ, chu du khắp thiên hạ à?

Câu 5: Cuộc đời tớ sắp: Way back into love - Hugh Grant & Haley Bennett. Không hiểu là love gì mà way back nhỉ?

Câu 6: Con tớ sau này sẽ: Hallelujah - Shrek OST. Bạn Nam Trân đành cắt nghĩa là nó sẽ theo đạo Chúa và suốt ngày cứ Hallelujah ca tụng Chúa.

Câu 7: Công việc của tớ sẽ là: Lonely in Gorgeous - Paradise Kiss OST. Một công việc lộng lẫy nhưng cô đơn. Hớ hớ...

Câu 8: Tớ thích: I catch a cold - Kokia. Quái, có ai thích bị bệnh đâu nào?

Câu 9: Tớ sẽ chết vì: Perhaps Love - Goong OST. Yêu đương kiểu gì mà chết vậy trời?

Câu 10: Cảm giác của tớ lúc này: You´re only lonely - Daddy long legs OST. Quá chính xác. Không phải bàn cãi. Nhưng không biết tớ nên gọi cho ai nhỉ.

Câu 11: Bài hát miêu tả bố mẹ tớ là: Me To You, You To Me - The Classic OST. Rứa là yên tâm rồi.

Câu 12: Đặc điểm nhận dạng của tớ: Chobits OST - Ningyo Hime. Có nằm mơ cũng không dám nghĩ mình là nàng tiên cá.

Câu 13: Tớ bực nhất là khi: Don't Know Why - Norah Jones. Miễn bình luận. Bài mình thích lại rơi vào câu này.

Câu 14: Thân thuộc nhất với tớ là: Pretty boy - M2M. Hehe, ít ra cũng phải vậy. Chỉ có điều nên thêm một chữ cái “s” nhỏ nhỏ đằng sau chữ “boy”. Vậy mới đúng.

Câu 15: Điều làm tớ buồn nhất: Ame to Yume no Ato ni - Okuda Miwako. Tức là sau những cơn mưa và những giấc mơ ư? Hơ...

Câu 16: Điều làm tớ vui: Under the same roof OST - Saboten No Hana. Hoa xương rồng thì ăn nhập gì tới chuyện vui hay buồn. Nếu giải nghĩa là chung một mái nhà thì xem ra có lý hơn đấy.

Câu 17: Khát vọng thầm kín bên trong của mình là: Jin Tian Ni Yao Jia Gei Wo (Marry Me Today) - David Tao & Jolin Tsai. Xin mượn câu cảm thán của nhóc Việt: Thể loại gì thế này???

Câu 18: Lần sau khi đứng trước đông người, tớ sẽ hét to: Eternal Flame. Nghĩa là gặp ai cũng: “Hãy nhắm mắt lại và đưa tay anh cho em nào cưng. Anh có thấy rằng tim em đang đập rộn ràng không?...”

Câu 19: Câu chuyện đời tớ là: Endless story - Yuna Ito - Nana OST. Hehe...

Câu 20: Nếu không có tớ, bạn bè nghĩ rằng: A better day - JTL. Quả là một sự thật phũ phàng. Một cú đòn giáng lên cái đầu non nớt của tớ.

Câu 21: Lạc trên hoang mạc, tớ sẽ hét lên: Let me show you the way - Natasha Thomas. Thách thức bão cát chắc.

Câu 22: Ưu điểm lớn nhất của tớ là: Change the world - Inu Yasha OST. Đâu vĩ đại được đến thế, có chăng là thay đổi thế giới nhỏ bé của tớ.

Câu 23: Những ngày sắp tới của tớ sẽ: Silhouette Of A Breeze - Victorian Romance Emma OST. Tạm hiểu là không có thay đổi gì đáng kể vậy.

Câu 24: Ký ức mà tớ nhớ mãi: Shiroi Yuki - Kokia. Là nàng Bạch Tuyết à?

Câu 25: Bí mật sâu thẳm nhất của tớ: Egao ni Aitai - Marmalade Boy. Bài này có một câu đại loại như: “Nụ cười của anh là điều duy nhất tôi cần đến.”

Câu 26: Nếu leo lên đỉnh Averest, tớ sẽ hét: 25 Minutes - Michael Learns To Rock. Mẹ ơi, tổng cộng thời gian chỉ là 25 phút thôi. Phen này ta đổi nghề, làm nữ siêu nhân.

Câu 27: Thời cấp 3 của tớ là: First Love - Utada Hikaru. Chưa biết, còn mấy năm nữa.

Câu 28: Đám cưới của tớ sẽ chơi bài: How deep is your love - Take that. Bài này cũng được đấy, mặc dù tớ thích bài To where you are của Josh Groban hơn. Love paradise thì cũng OK.

Câu 29: Thông điệp của tớ đến với thế giới là: Take Me To Your Heart - Michael Learns To Rock. Vậy ra lúc nào cũng: “Take me to your heart. Take me to your soul. Give me your hand before I'm old.” Cái này có vẻ ứng với bài Eternal Flame.

Câu 30: Những lời cuối của tớ trước lúc chết: Separation - Victorian Romance Emma OST. Một sự trùng hợp kinh khủng. Chẳng lẽ sắp chết mà tớ còn đủ hơi để chơi piano?!

Viết xong mới để ý cái entry này dài kỷ lục.

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2009

Tạm biệt Chuột, chào Trâu!


(Vừa nhận ra là mình còn để chế độ close blog.)


Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa, chúng ta chính thức tạm biệt năm Mậu Tí và đón năm Kỷ Sửu.


Trong năm cũ qua, mình đã làm được nhiều chuyện và cũng làm hỏng đủ chuyện. Gác lại mọi thứ sau lưng. Lập một danh sách mới, liệt kê những công việc cần làm.


Năm rồi quen được rất nhiều bạn mới, toàn người tốt không hà: chị Elena, chị Kristina, anh Rene, anh Tim, anh Karsten... uhm, và Alex.


Mình đã nhận được thật nhiều tình thương và bất ngờ. Có niềm vui, có cả nỗi buồn, có những lúc nhớ nhung, những khi thất vọng. Nhưng bình yên và hy vọng vẫn không bao giờ rời bỏ mình.


Xin cho vài phút nghỉ ngơi thư giãn, lấy lại năng lượng để đón một năm mới với nhiều sự kiện bất ngờ.


Chúc cả nhà trên cộng đồng blog Yahoo! 360* năm mới bình yên, dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý.

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2009

29 Tết







Hôm nay là 29 Tết. Nếu bây giờ ở nhà với ngoại, tớ sẽ canh nồi nấu bánh tét, nói chuyện trên trời dưới đất với bà rồi.


Món ăn ở trụ sở Hội cũng ngon, nhưng dĩ nhiên không thể nào bằng món ngoại nấu.


Thường những lúc như vầy thấy nhớ nhà nhất, làm mình càng nôn nao muốn về nhà nhiều hơn.


Tự nhiên nghĩ đến ông Dũng. Mong chàng Việt Dũng của Văn 0508 đủ bản lĩnh và tự tin. Còn nhiều năm dài trước mắt xa nhà, Dũng ơi!


Rồi lại nghĩ đến những thân phận xa nhà như mình: chị Trà, chị Dương, chị Uyên, anh Tuấn, Dreamy, anh Đức, anh Linh, anh Nguyên... cầu chúc cho mọi người giũ bỏ bao buồn bực ở năm cũ, bình yên đón thêm một cái Tết ở xứ người.


Ông Robo sướng thiệt, được về nhà trước Tết. Ghen tỵ quá đi thôi!

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2009

Lại một cái Tết không được về nhà!



Cái hình này tự nhiên làm mình nhớ nhà, dù nó chẳng có liên quan đến Tết nhứt cũng như gia đình gì hết.

Ối chà! Blog bị đóng bao nhiêu lớp mốc rồi. Cứ cái đà này e rằng nó sẽ bị hóa thạch luôn quá.

Thật ra tớ còn một núi việc phải làm: tìm chỗ thực tập 1 năm (không tìm được là bạn Nam Trân khỏi đi học luôn), bài thuyết trình, kiểm tra, đăng kí trường mới... nhưng bọn đầu óc nó biểu tình, mọi người à. Vậy nên tớ đành kiếm cớ viết entry để xả stress đây.

Thời gian qua không xảy ra nhiều chuyện đặc biệt lắm, ít ra là trong cuộc sống nhỏ bé của mình.

Chuyện thứ nhất: 30 đơn xin thực tập --> 28 thư từ chối

Rút kinh nghiệm năm trước, lần này tớ bắt đầu việc kiếm chỗ thực tập trong 3 tuần rất sớm. Nhưng người tính đâu có bằng trời tính. Thư từ chối cứ gửi tới tấp về nhà.

Chỉ có thế thôi thì không nói, đằng này lên lớp, cô Troeger toàn hỏi: “Các em tìm được chỗ thực tập chưa?”. Đúng là một câu hỏi... hay! Học cái môn % nó toàn đưa những ví dụ như: 400 học sinh trong trường gửi đơn tìm chỗ thực tập, trong đó chỉ có 30% đã nhận được thư đồng ý. Hỏi có bao nhiêu em bị từ chối? Cái này người ta gọi là xát muối vào vết thương người khác đây mà. Trong mấy tháng dài tâm trạng tớ cứ như đang ngồi trên đống lửa.

Nhưng trời không phụ người có lòng!

Tớ còn nhớ rất rõ buổi chiều hôm đó, lúc tớ nộp Bewerbung (đơn xin) ở Kindergarten gần nhà và ở Deutsche Bahn. Cô hiệu trưởng Kindergarten rất dễ thương và dễ tính. Thành ra bạn Nam Trân được ngay lập tức một chỗ thực tập. Còn ở Deutsche Bahn, chú bảo vệ thấy mình cầm phong bì, hỏi liền: “Cháu nộp Bewerbung phải không? Vậy thì nhanh lên, sắp hết giờ làm việc rồi.” Chờ kết quả ở Deutsche Bahn và những chỗ khác mấy tháng mà chưa có hồi âm, bạn cứ đinh ninh rằng: “Năm nay ta làm thực tập ở Kindergarten.”

Sau 2 tuần lễ Giáng Sinh trong bệnh viện, tớ được cho về nhà. Lục thùng thư, một phong bì nhỏ màu trắng rơi ra: Deutsche Bahn mời bạn đến phỏng vấn. Thôi ta nói là mừng muốn rơi nước mắt luôn. Nhưng sau đó tớ lại thấy lo, vì đây là lần đầu tiên tớ đi phỏng vấn ở Đức. Hồi ở Việt Nam nói bằng tiếng Việt mình nên tớ đâu có cảm giác bồn chồn đó.

Ngày phỏng vấn, bạn mặc bộ đồ lịch sự và khiến bạn thoải mái nhất. Tính sai thời gian, tớ đến sớm trước một tiếng. Trong lúc ngồi chờ, các cô chú nhân viên ở Deutsche Bahn cứ đi ngang qua và hỏi mình đến từ nước nào. Vì trước đó tớ đã đánh vần tên mình cho ông bác già ở quầy tiếp tân, thấy chữ “Nam”, “Tr”, “â”, “uy” bác ấy đoán được tớ là người Việt Nam. “Với lại, mỗi đất nước Á châu có một nét đặc trưng trên khuôn mặt.”, bác ấy bồi thêm. Ngồi nói chuyện trên trời dưới đất với bác để cho qua thời gian, cuối cùng mình cũng được gọi.

Bà phỏng vấn tớ là một người rất thân thiện và cởi mở. Ngay lập tức, khi gặp bà ấy, tớ không còn sợ hay lo lắng nữa mà tự tin trả lời những câu hỏi. Buổi phỏng vấn chỉ kéo dài khoảng 20 phút thôi. Với cái bắt tay tạm biệt, bà ấy nói: Hẹn gặp lại cháu vào ngày 9 tháng 2. Xúc động đến nỗi cứ cười toe toét như con điên trên xe điện. Sau đó, trên đường về nhà hồi tưởng lại, tớ không nghĩ đó là một buổi phỏng vấn thực sự, nó giống như một cuộc nói chuyện tâm tình hơn. Tớ và bà ấy toàn nói đa số về sở thích, du lịch ở Việt Nam...; suốt buổi bà ấy không hỏi tớ tí gì về kiến thức chuyên ngành cả.

Vậy là năm nay tớ lại bỏ bê con nít để chúi mũi vào máy vi tính rồi.

Chuyện thứ hai: Kỳ nghỉ Giáng Sinh không mong đợi

Không mong đợi ở đây là cả chuyện hay lẫn chuyện dở.

Đón Giáng Sinh và năm mới với Takuya và Ryan - những người anh mình thương thật là thương - những tưởng kỳ này với mình chỉ có thần may mắn thôi. Ai dè sau hôm Giáng Sinh 2 ngày (tức là ngày 27 tháng 12), bạn Nana đổ ầm một cái. Rồi, bị bệnh - hậu quả của việc chạy ra ngoài trời lạnh mười mấy độ âm, thi ăn kem đá. Nhiễm lạnh, cảm, viêm amidan. Đón giao thừa trong bệnh viện. Coi người ta bắn pháo hoa đùng đùng mà ức muốn chết. Lẽ ra giờ này mình phải ở nhà bắn pháo hoa chứ. Điện thoại hết tài khoản. Không được mang laptop vào bệnh viện. Bị cấm đọc sách hay nghe iPod. Chỉ có cái tivi là nguồn giải trí cuối cùng. Thật là số con rệp mà. Nếu không có Ryan và Takuya tối ngày thay phiên nhau làm trò cho mình cười thì có khi giờ bạn đang nằm ở khu dành cho bệnh nhân tâm thần quá.


2 tuần trong bệnh viện trôi qua nhanh ghê, nhanh như con ốc sên bò lên đỉnh Phan-xi-păng vậy đó. Ryan đưa ra một nhận xét rất vui, nhưng nghĩ lại cũng thấy đúng: “Nana chan đó hả? Bị bệnh có phong cách lắm nha. Mấy lúc bận thì khoẻ re, chờ tới khi rảnh một chút là lăn quay ra bệnh. Nhưng cũng dễ chịu. Chỉ cần chìu chuộng, cưng hơn trứng mỏng, quý hơn kim cương là sung sức trở lại liền hà.” Cũng nhờ bị bệnh mới làm hòa được với Takuya. Hihi, ngày xưa đã vậy rồi. Dù mình có gây ra lỗi nặng đến mấy, hễ bị bệnh thì Takuya sẽ tha thứ hết.

Chuyện thứ ba: Có nên dùng roi vọt dạy con không?

Với câu hỏi này tớ luôn đưa ra một chữ duy nhất: “Không.”

Không biết đến khi nào chủ đề “Chiến tranh và hòa bình” và cả cái vụ đánh đòn con nít này mới kết thúc. Trước đây, khi nghe cô Asal kể sơ sơ về những đề tài cô định ra trong năm học, tớ đã biết sẵn là tớ không thích nó rồi. À, chả là vì nó làm tớ nhớ lại mấy trận đòn kinh khủng của ba.


Hồi còn nhỏ, sống với ngoại, tớ được bà nuông chìu, được cưng như công chúa. Có lẽ vì vậy mà giờ đây mình thành một-đứa-trẻ-lớn-đầu-hư-hỏng chăng? Mỗi ba tháng hè, tớ về quê ở với ba mẹ. Quãng thời gian này với tớ vừa rất vui mà cũng vừa rất sợ. Lôi thôi là bị ba cho ăn đòn ngay. Ba là người giỏi võ nên đánh rất đau. Ông nội kể ngày xưa ba hay lên ngôi chùa trên núi gần nhà, học võ chung với các chú tiểu trong chùa. Lúc nghe chuyện ấy, tớ đã hỏi thẳng: “Vậy sao ba không học chữ nhẫn, bình tĩnh như mấy chú tiểu. Ba đánh con đau quá chừng.” Ông nội cười buồn buồn: “Vì ngày xưa ông cũng đánh ba con đau lắm. Ba con bị ảnh hưởng tính xấu từ ông.”

Tớ biết ba vì thương tớ mới đánh đau như vậy, để tớ bỏ được những tính xấu. Nhưng cách làm của ba bị phản tác dụng hơi bị nhiều. Tớ thương ba nhưng sợ ba như sợ cọp. Tới khoảng năm tớ 15 tuổi, ba chuyển công tác vào Sài Gòn. Nỗi sợ ba của tớ vẫn không giảm đi tẹo nào. Bằng chứng là ba vừa từ chỗ làm về đến nhà, hoặc say rượu trở về, tớ tìm cách lánh mặt lên nhà trên với bà ngoại. Ba về, có nghĩa là bao nhiêu căng thẳng từ cơ quan ba cũng đem về, rồi lôi con ra đánh cho đỡ tức.

Tớ là đứa cứng đầu và khó dạy bẩm sinh. Ba càng đánh đau bao nhiêu, tớ càng “lờn thuốc” bấy nhiêu. Những lúc nóng giận còn nói hỗn với ba nữa: “Ba có đánh con tới chết thì cũng chỉ là làm đau con gái của ba thôi. Coi như con là một đứa trẻ không có cha vậy.” Giờ nghĩ lại thấy mình sao trẻ con và nông nỗi quá. Nói thế có khác gì câu: “Ông không xứng đáng làm cha tôi.” Chỉ đến khi ngoại can ba ra, tỉ tê nói chuyện với tớ, con quỷ trong tớ mới chạy đi thôi.

Tớ nóng tính như lửa. Khi đánh con, ba là lửa to. Hai ngọn lửa gặp nhau sẽ gây ra trận cháy kinh thiên động địa. Trên thực tế, tớ nhận thấy cách giáo dục dịu dàng như nước của bà ngoại đem lại hiệu quả đặc biệt hơn nhiều. Ngoại chưa bao giờ nói với tớ những câu đại loại như: Con phải làm thế này, con không được làm thế kia... Ngoại chỉ kể chuyện, đưa ra những ví dụ, hậu quả này nọ thôi. Dĩ nhiên, theo bản năng, tớ đều trân trọng và làm theo những lời “dặn dò” của ngoại.

Thề sau này mà có con, tớ sẽ không đánh nó như ba từng đánh tớ đâu. Chỉ tổ làm nó càng khó dạy và dữ dằn hơn thôi. Hơn nữa, tớ không muốn con tớ sợ mẹ nó như tớ sợ ba bây giờ. Hì hì, dẫu sao trở thành thiên thần trong mắt người khác cũng dễ chịu hơn là trở thành hung thần chứ nhỉ.

Reply comments:

@ Bảo Châu: bây giờ tớ mới mở blog và thấy thư của cậu. Xin lỗi nhiều nhiều nha. Nick yahoo của tớ là honeyandclover611. Nhưng dạo này tớ ít chat Y!M. Nếu cần gì, Châu gửi mail cho tớ qua địa chỉ này nè: honeyandclover611@hotmail.com

@ dzợ iu và chồng iu: bận bịu nhiều quá, không trả lời thư của 2 người được. Mấy người làm tui cảm động khóc bù lu bù loa bây giờ.