Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2009

Tạm biệt Chuột, chào Trâu!


(Vừa nhận ra là mình còn để chế độ close blog.)


Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa, chúng ta chính thức tạm biệt năm Mậu Tí và đón năm Kỷ Sửu.


Trong năm cũ qua, mình đã làm được nhiều chuyện và cũng làm hỏng đủ chuyện. Gác lại mọi thứ sau lưng. Lập một danh sách mới, liệt kê những công việc cần làm.


Năm rồi quen được rất nhiều bạn mới, toàn người tốt không hà: chị Elena, chị Kristina, anh Rene, anh Tim, anh Karsten... uhm, và Alex.


Mình đã nhận được thật nhiều tình thương và bất ngờ. Có niềm vui, có cả nỗi buồn, có những lúc nhớ nhung, những khi thất vọng. Nhưng bình yên và hy vọng vẫn không bao giờ rời bỏ mình.


Xin cho vài phút nghỉ ngơi thư giãn, lấy lại năng lượng để đón một năm mới với nhiều sự kiện bất ngờ.


Chúc cả nhà trên cộng đồng blog Yahoo! 360* năm mới bình yên, dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý.

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2009

29 Tết







Hôm nay là 29 Tết. Nếu bây giờ ở nhà với ngoại, tớ sẽ canh nồi nấu bánh tét, nói chuyện trên trời dưới đất với bà rồi.


Món ăn ở trụ sở Hội cũng ngon, nhưng dĩ nhiên không thể nào bằng món ngoại nấu.


Thường những lúc như vầy thấy nhớ nhà nhất, làm mình càng nôn nao muốn về nhà nhiều hơn.


Tự nhiên nghĩ đến ông Dũng. Mong chàng Việt Dũng của Văn 0508 đủ bản lĩnh và tự tin. Còn nhiều năm dài trước mắt xa nhà, Dũng ơi!


Rồi lại nghĩ đến những thân phận xa nhà như mình: chị Trà, chị Dương, chị Uyên, anh Tuấn, Dreamy, anh Đức, anh Linh, anh Nguyên... cầu chúc cho mọi người giũ bỏ bao buồn bực ở năm cũ, bình yên đón thêm một cái Tết ở xứ người.


Ông Robo sướng thiệt, được về nhà trước Tết. Ghen tỵ quá đi thôi!

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2009

Lại một cái Tết không được về nhà!



Cái hình này tự nhiên làm mình nhớ nhà, dù nó chẳng có liên quan đến Tết nhứt cũng như gia đình gì hết.

Ối chà! Blog bị đóng bao nhiêu lớp mốc rồi. Cứ cái đà này e rằng nó sẽ bị hóa thạch luôn quá.

Thật ra tớ còn một núi việc phải làm: tìm chỗ thực tập 1 năm (không tìm được là bạn Nam Trân khỏi đi học luôn), bài thuyết trình, kiểm tra, đăng kí trường mới... nhưng bọn đầu óc nó biểu tình, mọi người à. Vậy nên tớ đành kiếm cớ viết entry để xả stress đây.

Thời gian qua không xảy ra nhiều chuyện đặc biệt lắm, ít ra là trong cuộc sống nhỏ bé của mình.

Chuyện thứ nhất: 30 đơn xin thực tập --> 28 thư từ chối

Rút kinh nghiệm năm trước, lần này tớ bắt đầu việc kiếm chỗ thực tập trong 3 tuần rất sớm. Nhưng người tính đâu có bằng trời tính. Thư từ chối cứ gửi tới tấp về nhà.

Chỉ có thế thôi thì không nói, đằng này lên lớp, cô Troeger toàn hỏi: “Các em tìm được chỗ thực tập chưa?”. Đúng là một câu hỏi... hay! Học cái môn % nó toàn đưa những ví dụ như: 400 học sinh trong trường gửi đơn tìm chỗ thực tập, trong đó chỉ có 30% đã nhận được thư đồng ý. Hỏi có bao nhiêu em bị từ chối? Cái này người ta gọi là xát muối vào vết thương người khác đây mà. Trong mấy tháng dài tâm trạng tớ cứ như đang ngồi trên đống lửa.

Nhưng trời không phụ người có lòng!

Tớ còn nhớ rất rõ buổi chiều hôm đó, lúc tớ nộp Bewerbung (đơn xin) ở Kindergarten gần nhà và ở Deutsche Bahn. Cô hiệu trưởng Kindergarten rất dễ thương và dễ tính. Thành ra bạn Nam Trân được ngay lập tức một chỗ thực tập. Còn ở Deutsche Bahn, chú bảo vệ thấy mình cầm phong bì, hỏi liền: “Cháu nộp Bewerbung phải không? Vậy thì nhanh lên, sắp hết giờ làm việc rồi.” Chờ kết quả ở Deutsche Bahn và những chỗ khác mấy tháng mà chưa có hồi âm, bạn cứ đinh ninh rằng: “Năm nay ta làm thực tập ở Kindergarten.”

Sau 2 tuần lễ Giáng Sinh trong bệnh viện, tớ được cho về nhà. Lục thùng thư, một phong bì nhỏ màu trắng rơi ra: Deutsche Bahn mời bạn đến phỏng vấn. Thôi ta nói là mừng muốn rơi nước mắt luôn. Nhưng sau đó tớ lại thấy lo, vì đây là lần đầu tiên tớ đi phỏng vấn ở Đức. Hồi ở Việt Nam nói bằng tiếng Việt mình nên tớ đâu có cảm giác bồn chồn đó.

Ngày phỏng vấn, bạn mặc bộ đồ lịch sự và khiến bạn thoải mái nhất. Tính sai thời gian, tớ đến sớm trước một tiếng. Trong lúc ngồi chờ, các cô chú nhân viên ở Deutsche Bahn cứ đi ngang qua và hỏi mình đến từ nước nào. Vì trước đó tớ đã đánh vần tên mình cho ông bác già ở quầy tiếp tân, thấy chữ “Nam”, “Tr”, “â”, “uy” bác ấy đoán được tớ là người Việt Nam. “Với lại, mỗi đất nước Á châu có một nét đặc trưng trên khuôn mặt.”, bác ấy bồi thêm. Ngồi nói chuyện trên trời dưới đất với bác để cho qua thời gian, cuối cùng mình cũng được gọi.

Bà phỏng vấn tớ là một người rất thân thiện và cởi mở. Ngay lập tức, khi gặp bà ấy, tớ không còn sợ hay lo lắng nữa mà tự tin trả lời những câu hỏi. Buổi phỏng vấn chỉ kéo dài khoảng 20 phút thôi. Với cái bắt tay tạm biệt, bà ấy nói: Hẹn gặp lại cháu vào ngày 9 tháng 2. Xúc động đến nỗi cứ cười toe toét như con điên trên xe điện. Sau đó, trên đường về nhà hồi tưởng lại, tớ không nghĩ đó là một buổi phỏng vấn thực sự, nó giống như một cuộc nói chuyện tâm tình hơn. Tớ và bà ấy toàn nói đa số về sở thích, du lịch ở Việt Nam...; suốt buổi bà ấy không hỏi tớ tí gì về kiến thức chuyên ngành cả.

Vậy là năm nay tớ lại bỏ bê con nít để chúi mũi vào máy vi tính rồi.

Chuyện thứ hai: Kỳ nghỉ Giáng Sinh không mong đợi

Không mong đợi ở đây là cả chuyện hay lẫn chuyện dở.

Đón Giáng Sinh và năm mới với Takuya và Ryan - những người anh mình thương thật là thương - những tưởng kỳ này với mình chỉ có thần may mắn thôi. Ai dè sau hôm Giáng Sinh 2 ngày (tức là ngày 27 tháng 12), bạn Nana đổ ầm một cái. Rồi, bị bệnh - hậu quả của việc chạy ra ngoài trời lạnh mười mấy độ âm, thi ăn kem đá. Nhiễm lạnh, cảm, viêm amidan. Đón giao thừa trong bệnh viện. Coi người ta bắn pháo hoa đùng đùng mà ức muốn chết. Lẽ ra giờ này mình phải ở nhà bắn pháo hoa chứ. Điện thoại hết tài khoản. Không được mang laptop vào bệnh viện. Bị cấm đọc sách hay nghe iPod. Chỉ có cái tivi là nguồn giải trí cuối cùng. Thật là số con rệp mà. Nếu không có Ryan và Takuya tối ngày thay phiên nhau làm trò cho mình cười thì có khi giờ bạn đang nằm ở khu dành cho bệnh nhân tâm thần quá.


2 tuần trong bệnh viện trôi qua nhanh ghê, nhanh như con ốc sên bò lên đỉnh Phan-xi-păng vậy đó. Ryan đưa ra một nhận xét rất vui, nhưng nghĩ lại cũng thấy đúng: “Nana chan đó hả? Bị bệnh có phong cách lắm nha. Mấy lúc bận thì khoẻ re, chờ tới khi rảnh một chút là lăn quay ra bệnh. Nhưng cũng dễ chịu. Chỉ cần chìu chuộng, cưng hơn trứng mỏng, quý hơn kim cương là sung sức trở lại liền hà.” Cũng nhờ bị bệnh mới làm hòa được với Takuya. Hihi, ngày xưa đã vậy rồi. Dù mình có gây ra lỗi nặng đến mấy, hễ bị bệnh thì Takuya sẽ tha thứ hết.

Chuyện thứ ba: Có nên dùng roi vọt dạy con không?

Với câu hỏi này tớ luôn đưa ra một chữ duy nhất: “Không.”

Không biết đến khi nào chủ đề “Chiến tranh và hòa bình” và cả cái vụ đánh đòn con nít này mới kết thúc. Trước đây, khi nghe cô Asal kể sơ sơ về những đề tài cô định ra trong năm học, tớ đã biết sẵn là tớ không thích nó rồi. À, chả là vì nó làm tớ nhớ lại mấy trận đòn kinh khủng của ba.


Hồi còn nhỏ, sống với ngoại, tớ được bà nuông chìu, được cưng như công chúa. Có lẽ vì vậy mà giờ đây mình thành một-đứa-trẻ-lớn-đầu-hư-hỏng chăng? Mỗi ba tháng hè, tớ về quê ở với ba mẹ. Quãng thời gian này với tớ vừa rất vui mà cũng vừa rất sợ. Lôi thôi là bị ba cho ăn đòn ngay. Ba là người giỏi võ nên đánh rất đau. Ông nội kể ngày xưa ba hay lên ngôi chùa trên núi gần nhà, học võ chung với các chú tiểu trong chùa. Lúc nghe chuyện ấy, tớ đã hỏi thẳng: “Vậy sao ba không học chữ nhẫn, bình tĩnh như mấy chú tiểu. Ba đánh con đau quá chừng.” Ông nội cười buồn buồn: “Vì ngày xưa ông cũng đánh ba con đau lắm. Ba con bị ảnh hưởng tính xấu từ ông.”

Tớ biết ba vì thương tớ mới đánh đau như vậy, để tớ bỏ được những tính xấu. Nhưng cách làm của ba bị phản tác dụng hơi bị nhiều. Tớ thương ba nhưng sợ ba như sợ cọp. Tới khoảng năm tớ 15 tuổi, ba chuyển công tác vào Sài Gòn. Nỗi sợ ba của tớ vẫn không giảm đi tẹo nào. Bằng chứng là ba vừa từ chỗ làm về đến nhà, hoặc say rượu trở về, tớ tìm cách lánh mặt lên nhà trên với bà ngoại. Ba về, có nghĩa là bao nhiêu căng thẳng từ cơ quan ba cũng đem về, rồi lôi con ra đánh cho đỡ tức.

Tớ là đứa cứng đầu và khó dạy bẩm sinh. Ba càng đánh đau bao nhiêu, tớ càng “lờn thuốc” bấy nhiêu. Những lúc nóng giận còn nói hỗn với ba nữa: “Ba có đánh con tới chết thì cũng chỉ là làm đau con gái của ba thôi. Coi như con là một đứa trẻ không có cha vậy.” Giờ nghĩ lại thấy mình sao trẻ con và nông nỗi quá. Nói thế có khác gì câu: “Ông không xứng đáng làm cha tôi.” Chỉ đến khi ngoại can ba ra, tỉ tê nói chuyện với tớ, con quỷ trong tớ mới chạy đi thôi.

Tớ nóng tính như lửa. Khi đánh con, ba là lửa to. Hai ngọn lửa gặp nhau sẽ gây ra trận cháy kinh thiên động địa. Trên thực tế, tớ nhận thấy cách giáo dục dịu dàng như nước của bà ngoại đem lại hiệu quả đặc biệt hơn nhiều. Ngoại chưa bao giờ nói với tớ những câu đại loại như: Con phải làm thế này, con không được làm thế kia... Ngoại chỉ kể chuyện, đưa ra những ví dụ, hậu quả này nọ thôi. Dĩ nhiên, theo bản năng, tớ đều trân trọng và làm theo những lời “dặn dò” của ngoại.

Thề sau này mà có con, tớ sẽ không đánh nó như ba từng đánh tớ đâu. Chỉ tổ làm nó càng khó dạy và dữ dằn hơn thôi. Hơn nữa, tớ không muốn con tớ sợ mẹ nó như tớ sợ ba bây giờ. Hì hì, dẫu sao trở thành thiên thần trong mắt người khác cũng dễ chịu hơn là trở thành hung thần chứ nhỉ.

Reply comments:

@ Bảo Châu: bây giờ tớ mới mở blog và thấy thư của cậu. Xin lỗi nhiều nhiều nha. Nick yahoo của tớ là honeyandclover611. Nhưng dạo này tớ ít chat Y!M. Nếu cần gì, Châu gửi mail cho tớ qua địa chỉ này nè: honeyandclover611@hotmail.com

@ dzợ iu và chồng iu: bận bịu nhiều quá, không trả lời thư của 2 người được. Mấy người làm tui cảm động khóc bù lu bù loa bây giờ.