Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Tường thuật đợt thực tập ở Deutsche Bahn


[Hình minh họa không liên quan đến bài viết. Chỉ vì thấy đẹp nên đưa lên.]
[Entry này sẽ không có hình, vì bạn Nam Trân đã ký tên vào bản cam kết Protection of data privacy rồi. Lôi thôi cảnh sát đến nhà thì khốn.]

Deutsche Bahn là công ty đường sắt của Đức.

Đi thực tập nhưng cũng không khác đi học là mấy. Nếu sếp của tớ ở trường là cô Troeger và các thầy cô giáo khác thì ở đây sếp của tớ là Praktikumsbetreuer - học viên của Deutsche Bahn.

Tớ đã hơi bị shock khi nhận Wochenplan (dịch sát nghĩa là “Kế hoạch tuần”), nói nôm na dễ hiểu thì nó là cái bảng xinh xinh liệt kê công việc tớ được giao. Thế này người ta gọi là “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” đây mà.

Ở đây, mọi người bận rộn hơn ở chỗ thực tập năm trước của tớ nhiều. Mỗi ngày chỉ có 30 phút trò chuyện thôi, còn lại thì ai cũng dán mắt vào cái màn hình vi tính. Làm việc kiểu này hoài có lẽ tớ sắp phải đeo kiếng cận quá.

Ít có cơ hội nói chuyện nên tới giờ này tớ vẫn chưa nhớ hết tên của đồng nghiệp. Ngẫm lại thời gian này cách đây 1 năm, mình đã tám đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với Christina, Tim và Rene rồi.

Và vì tớ đã chọn ngành Công nghệ thông tin - ngành mà con gái được cho là quý hiếm, lắm chuyện “dở khóc dở cười” đã xảy ra.


Tuần lễ đầu tiên

Thứ hai, 09.02.2009

Tâm trạng rất háo hức khi bắt chuyến xe điện đến chỗ thực tập. Vừa bước xuống xe thì trời đổ tuyết. Dấu hiệu gì đây?

Ban đầu mọi chuyện có vẻ rất ổn thỏa. Cô thư ký dẫn mình đi giới thiệu với từng người trong khu Đào tạo. Mọi người ở đây rất thân thiện và cởi mở (lúc đó thực tình thấy vậy). Một anh học viên dễ thương dẫn mình đi xem từng chỗ: phòng họp, bếp, cantine...

Gặp sếp lớn, biết được hung tin: Mỗi tuần bạn Nam Trân sẽ làm việc dưới sự giám sát của một học viên ở đây. Mà học-viên-ở-đây toàn là con trai không hà.

Praktikumsbetreuer - sếp trực tiếp - của mình tuần này là anh Robert Seele. Nghe đồn anh ta là trưởng nhóm học viên ở đây, giỏi lắm. Nhưng không hiểu sao những người khác lại nhìn mình với ánh mắt ái ngại và đầy cảm thông thế này?

Ừ thì anh rất giỏi, biết rất nhiều thứ, cũng không đến nỗi khó gần, lại đẹp trai nữa. Nhưng làm việc chung với anh ấy rồi mới biết. Thôi ta nói ấn tượng phải biết.

Robert bị dị ứng với phụ nữ - chuyện này do những người trong phòng tiết lộ cho tớ. Con người ấy đã từng nói: “Càng ít phụ nữ, càng ít rắc rối”. Hừm, ở đâu ra quy tắc ấy thế nhỉ. Vậy ra, một tuần anh ấy “phải” quản lí mình đồng nghĩa với việc anh ta gặp nhiều rắc rối hơn thường ngày sao. Trong lúc tớ thực thi nhiệm vụ đầu tiên: lắp máy vi tính, anh đứng một bên nhìn rồi phán một câu khiến tớ giật mình: “Rốt cuộc em cũng chỉ là phụ nữ mà thôi.” Thú thật là trước giờ tớ chưa bao giờ dám mở máy vi tính của mình ra để xem nó có gì ở trỏng. Do đó công việc này tớ làm vụng về thật. Nhưng cái này thì liên quan gì tới phụ nữ chứ. Nghĩ thế chứ còn lâu tớ mới dám nói với anh ta. Ngày đầu đi làm không nên cãi nhau với sếp!

Anh rất khó tính. Giờ giải lao, tớ tranh thủ làm quen với các bạn đồng nghiệp khác {gọi bạn cho oai chứ họ đều lớn tuổi hơn tớ}. Anh lườm một cái, không chỉ có tớ mà cả những anh kia đều lập tức im bặt. Cả bọn nhìn nhau tủm tỉm cười. Đúng là nhóm trưởng đầy uy quyền.

Nãy giờ chê sếp không, chứ sếp cũng có nhiều điểm tốt lắm, lại vui tính và đôi lúc khó hiểu nữa.

Này nhé, khi tớ đang loay hoay với cái tua-vít, sếp ra tay giúp đỡ liền. Loáng một cái, anh ấy tháo nguyên con ốc mà tớ đã cố công vặn nó vào, còn cười đắc ý nữa chứ: “Xong rồi nè!”. “Nhưng em muốn vặn nó vào mà.” Sếp cười bối rối: “Oh, anh tưởng em muốn tháo nó ra.” Cả phòng được một phen cười no bụng. Lạ cái là không ai bị sếp lườm.

Thích sếp ở chỗ sếp không bao giờ cười nhạo trước những câu hỏi rất ư “ngớ ngẩn” của tớ. Thậm chí, sếp còn cấm những người khác cười.

Lúc rảnh rỗi, tớ ngồi xếp Origami - mục đích là để tạm xa cái màn hình vi tính. Anh đi ngang, thấy “sản phẩm” trên bàn của tớ, hỏi vỏn vẹn một câu: “Darf ich?” (tức là ảnh hỏi ảnh có được lấy không) rồi thò tay lấy luôn, không đợi câu trả lời của mình. Người gì đâu mà kiệm lời thế.

Không chỉ có sếp, anh bạn Trung Quốc ngồi gần sếp cũng gây shock cho tớ. Chả là anh ta hỏi tuổi tớ. Mình trả lời thành thật, anh ta lại không tin: “Có đúng là em 18 tuổi không đấy?” “Vậy chứ anh nghĩ sao?” Anh ta chỉ cười. Chơi khó nhau thật đấy, anh bạn.

Cuối ngày rút ra một điều: Vạn sự khởi đầu nan.


Thứ ba, 10.02.2009

Mới sáng ra mà mưa gió ầm ầm. Cây dù Espirit màu lục nhóc Việt tặng đã suýt làm tớ một phen khốn đốn.

Cũng tại tớ quên đội mũ, lại không cột tóc, chỉ kẹp mái. Vậy cho nên cái móc dù bằng sắt vướng vào tóc tớ, gỡ hoài không ra. Lúc ấy tớ chỉ đứng cách cánh cổng Deutsche Bahn nửa mét thôi.

Không biết là may hay xui, sếp Robert cũng vừa tới. Nhìn thấy cảnh tượng “không giống ai” của tớ, dĩ nhiên làm sao anh ta không khỏi bị shock. “Em đang làm gì vậy?” “Em muốn thử độ chắc của tóc.” “Rồi ra hậu quả thế này à?” Nhờ có sự trợ giúp của anh, cuối cùng tớ cũng được giải phóng khỏi cái móc quái quỷ đó. Mất vài sợi tóc, đầu thì bù xù. Robert đã cảm thán thế này: “Trông em kinh khủng quá!”. Ngại ghê, ngại ghê…

Quả shock thứ hai tớ thả cho sếp là câu nói: “Em hoàn thành xong tất cả nhiệm vụ tuần này rồi.” Anh ấy trợn tròn mắt một hồi rồi cũng trấn tĩnh lại: “Vậy anh sẽ giao cho em chuyện khác.” Thấy mình thật là ngu, sao lại làm nhanh để rồi có thêm công việc thế này.


Thứ tư – thứ sáu (11.02 – 13.02)

Mọi chuyện diễn ra khá là suôn sẻ. Tớ cũng đã khá thân với anh Robert nên không ngại chọc sếp nữa. Chỉ có cái là công việc nhiều quá, làm luôn tay. Tớ bỏ luôn giờ nghỉ giải lao.

Cuối ngày thứ sáu, sếp gọi lại để đánh giá công việc trong tuần. Nói chung là sếp nhận xét hơi bị đúng về mình: “Em thân thiện, dễ thương nhưng đôi lúc giữ kẽ với mọi người.” Cũng đúng thôi, tuần đầu tiên mà. Tớ chưa lộ rõ “bản chất” thực sự.

Riêng về cái khoản khéo léo thì sếp cho mình điểm giữa con 2 và con 3, kèm thêm một lời giải thích: “Ờ thì em rất giỏi trong việc xếp giấy nhưng mà thao tác với ốc vít thì không được chút nào.” Tạm chấp nhận, tại sếp cũng nương tay cho mình ở mấy khoản kia.

Các anh khác nói: “Đúng là phong cách của Robert. Cô nhóc khá lắm! Chưa ai nhận được điểm 1 từ tên này đâu.”. Thật ra, tớ thấy sếp chấm điểm vậy là quá nhẹ tay đó chứ. Tớ vẫn còn phải học nhiều điều.



Tuần lễ thứ hai (16.02 – 20.02)

Ngày thứ hai, tớ đến hãng và vẫn chưa được thông báo ai sẽ là Praktikumsbetreuer của tớ kỳ này. Gặp bà Horst – sếp lớn – để trình bày sự vụ; bà ấy lại gọi anh Robert xuống. Sau mấy phút nói chuyện, cuối cùng tớ cũng yên tâm là tuần này mình không thất sếp.

Khi chỉ còn hai anh em với nhau trong thang máy, anh Robert hình như muốn “trả đũa” nên nói: “Thế nào? Em khỏe không? Em là con bé phức tạp và rắc rối nhất mà anh từng gặp.” Đáp lại anh ta: “Anh cũng là người lắm chiêu mà.” “Con bé này không biết sợ là gì.” Trong bụng nhủ thầm, không dám và cũng không muốn nói: “Bố em khó tính hơn anh nhiều em còn không sợ nữa là.”

Đây là tuần lễ đẹp nhất trong đợt Praktikum kì này của tớ. Marc Spreier - sếp tuần này - cực kỳ dễ tính, dễ thương, sẵn sàng giúp đỡ khi tớ gặp vấn đề với máy tính.

Tuần này cũng đánh dấu sự quadixang (quăng đi xa) của cái USB mà tớ từng mua rẻ từ một người quen. Mắc cười ở chỗ sau khi được rút từ máy vi tính của sếp Marc ra, em USB ấy “chết” luôn. Vậy nên sếp bị tớ trêu: “USB của em nó sợ anh quá nên nó tiêu rồi.”

Tớ đã có quá nhiều kinh nghiệm thương đau như vầy nên không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. Cũng may bao nhiêu dữ liệu tớ đã lưu vào một USB khác, rồi lưu cả vào ổ cứng nữa. Làm vậy mới chắc ăn.

Như đã nói, sếp Marc rất dễ tính nên kết quả là bạn Nam Trân có bảng đánh giá đẹp như mơ. Cột nào sếp cũng cho tớ điểm 1.

Anh Marc chọc anh Robert: “Này, thấy bảng đánh giá tôi làm sạch sẽ và đẹp không này. Đánh máy cẩn thận đấy. Đâu có như cậu, viết xấu mà lại thích viết.” Robert cự lại: “Thưa ông Spreier, người ta chừa dòng là để mình viết mà.” Nhìn bảng đánh giá, anh Robert lắc đầu: “Không được rồi Marc, cậu chìu con bé quá!”

Hai người nói qua nói về làm cả phòng cười ầm ầm. Vui thật.



Tuần lễ thứ ba (23.02 – 27.02)

Một tuần với đủ thứ chuyện, cả xui lẫn hên.

Phụ trách tớ tuần này là anh Trung Quốc, bạn thân với anh Robert. Tên anh này thực ra là Tse De Jie (Đê-ji). Nhưng ở đây mọi người gọi anh là DJ (Đì-jây).

Anh rất rất rất đặc biệt.

DJ trông rất ngầu – chưa bao giờ tớ thấy con người này cười lớn. Trái với sếp Robert, sếp DJ không hề thích áo sơ-mi, anh ấy đeo hoa tai ở cả 2 bên, luôn mặc áo thun quần jean và luôn có cái khăn quanh cổ… Nghĩ cũng hay, thường những người khác biệt nhau nhiều vậy là những người bạn thân nhất.

Thú thật mà nói, làm việc với sếp DJ khiến đầu óc tớ lúc nào cũng căng thẳng. Không phải do yêu cầu của anh quá cao mà là do cách nói chuyện của sếp, bossy kinh khủng! Sếp DJ nghiêm khắc hơn cả sếp Robert (Robert chỉ khó tính thôi). Nhưng cũng nhờ sếp nghiêm như vậy nên tuần lễ này tớ học được rất nhiều thứ có ích.

DJ chỉ cho mình cách tự học lập trình C++. Thật ra ngày trước bạn Trân có học một ít rồi, nhưng sau mấy năm thì kiến thức lập trình của tớ gần như tờ giấy trắng. Anh đã rất ngạc nhiên khi trong 2 tiếng đồng hồ tớ hoàn thành xong 9 bài tập về C++: “Du Scheiße!” - đại khái giống kiểu tiếng Việt mình nói “Em đúng là thú vật.” (đừng bắt tớ dịch câu này sát nghĩa, nghe nó kì lắm)

Sếp nghiêm nhưng cực kỳ tốt bụng. DJ hay truyền lại những kinh nghiệm của anh ấy cho tớ. “Nói riêng với em, vì em cũng là người châu Á như anh…” - mỗi lần anh mở đầu như vậy là tớ biết anh sắp sửa nói cho tớ một vài kinh nghiệm để có thể thích nghi với công việc ở Deutsche Bahn.

DJ rất quan tâm tới thực tập sinh. Hôm thứ năm, khi tớ chuẩn bị gặp ông Groth – sếp bộ phận đào tạo để nói về chuyện xin thực tập một năm, anh đã hỏi tớ: “Có cần anh đi cùng không? Anh nói giúp cho.” Hix, nghe mà cảm động muốn khóc. “Không sao đâu. Nếu ngay cả chuyện này em không tự làm được, thì làm sao làm được những chuyện quan trọng hơn.”.

Nhờ sếp chỉ bảo nên tớ đã hoàn thành thật tốt bài thuyết trình kết thúc đợt thực tập ngày thứ sáu. Nhớ trước lúc thuyết trình, thấy tớ hơi run, DJ đã nói: “Em làm gì khác đi, lướt web hay chơi game gì cũng được.”, “Em chỉ cần ngồi đợi sếp lớn thôi, sợ làm gì!” v.v. Sếp nói vậy mà tớ vẫn còn sợ. Gan tớ thua cả gan thỏ đế mà. Thay vì làm như lời sếp nói, tớ ngồi ôn lại bài thuyết trình. Sếp chậc lưỡi: “Anh đâu nói em đọc mấy kiến thức IT lằng nhằng này.” Ngày hôm đó cũng là lần đầu tiên nghe sếp khen: “Good job!”.

Độc đáo hơn ở chỗ, DJ photo bảng đánh giá, đưa cho tớ một bản và nói: “Trước tiên anh muốn nghe ý kiến của em tự nhận xét về mình.” Tớ nhận thấy cách làm việc này thật hay và hiệu quả hơn hẳn phong cách của sếp Robert hoặc sếp Marc. Đôi bên đều có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình.


********************************************


Ba tuần thực tập trôi qua nhanh chóng. Điều vui mừng nhất là tớ đã xin được một chỗ thực tập cho năm học sau, cũng ở Deutsche Bahn. Vậy là còn được gặp và làm việc với những con người tử tế này.

Trước lúc về, tạm biệt các anh (đáng tiếc là không thấy chị gái nào) và nói với theo một câu: “Hẹn gặp lại vào tháng 8!” Anh Steinmüller giật mình hỏi lại anh DJ: “Con bé vừa nói gì? Tháng 8 à?” DJ từ tốn trả lời: “Nó xin được chỗ thực tập một năm ở đây rồi.” Tớ hỏi đùa: “Các anh không muốn gặp lại em à?”; vậy là bị mọi người nói như đuổi về: “Thôi nào, em về nhà đi. Hẹn gặp lại.” Lúc ra về còn nghe văng vẳng tiếng anh DJ: “Robert nói đúng thật.” Hihi, trong 3 tuần qua đúng là tớ đã gây ra cho các anh ấy nhiều rắc rối.



Chuyện ngoài lề:

- Trong thời gian thực tập, tớ được nhận thẻ thông hành và thẻ ăn. Khi nộp thẻ lại mới nhớ ra, trong thẻ ăn của tớ còn mấy xu lẻ. Ông sếp Groth móc trong túi ra 50 xu, ép tớ nhất định phải lấy, dù tớ đã nói với mọi người: “Thôi để tiền đó xung vào công quỹ vậy.” Bà Frost (cũng là sếp) trợn mắt bặm môi: “Lấy đi!”.

- Căn-tin ở Deutsche Bahn đẹp và nhiều thức ăn ngon. Chỉ có cái là thức ăn đắt đỏ quá. Tớ chỉ ăn 2 bữa ở đó thôi, mấy ngày sau tự gói đồ ăn đem theo.

- Cách sử dụng thẻ ăn khá phức tạp. Dù đã được anh Robert chỉ cách dùng vào ngày đầu tiên, trưa hôm tiếp theo tớ cũng quên. May có một bác lưng gù tốt bụng đã chỉ dẫn tớ rất tận tình. Con người ở đây quả rất dễ thương và tử tế.

- Anh Robert thường mặc áo sơ-mi dài tay và hay quấn bàn tay phải. Lúc đầu tưởng sếp làm dáng, ai dè sau này mới biết sếp tháo máy, bất cẩn bị thương ở tay. Vậy mà chê người ta là vụng về.

- Chỉ có anh DJ chịu gọi tớ bằng cái tên Nana. Anh Marc cố gắng gọi tên họ tớ nhưng không được vì khó quá. Anh Robert thì trước sau như một: “Hey, du!” (Này em!).

- Làm cùng phòng với tớ là anh Thomas Herrling hiền như cục đất. Anh hiền, lại làm việc giỏi nên mọi người hay sai anh nhiều chuyện, nhất là sếp DJ. Sếp DJ hay nói: “Thomas, I need your help.” Mỗi lần vậy mình trả lời sếp: “I can help you.”, vì thấy anh Thomas đã quá bận rộn rồi. Y như rằng bị sếp sạc lại ngay lập tức: “Nhiều chuyện. Lo làm việc của em đi.” Thật là!

- Anh Thomas hay giúp đỡ tớ nhiều thứ, nhất là trong việc lấy mấy dụng cụ, máy móc ở trên cao. Tớ hay đùa với anh: “Lợi thế của người cao là vậy đấy.”. Anh lúc nào cũng cười thật hiền. Ngày cuối cùng, đáng lẽ được về sớm, nhưng tớ tình nguyện ở lại giúp anh ghi đĩa. Nhìn tớ làm, anh hỏi: “Sao em thành thạo quá vậy?” Bèn cười trừ đáp lại, chả lẽ nói thẳng với anh ấy: “Ngày trước em kiếm sống chủ yếu bằng nghề này không đó anh.”.

- Hôm thứ tư (25.02) – được gọi là “Thứ Tư tro” – bên tàu điện ngầm tổ chức đình công nguyên ngày, làm tớ đến muộn 30 phút. Đến nơi, đã hoảng lắm, gặp sếp DJ còn bị anh chọc: “Vì em lười nên đến trễ hả?”. Nói xong, anh cười rất nham hiểm. {Sở dĩ biết chắc anh ấy chọc vì trước đó tớ đã gọi điện báo trước các sếp: “Có lẽ em sẽ đến hơi trễ.” rồi.}

Thông tin cụ thể về ngày thứ Tư u ám này tớ sẽ ghi lại ở entry sau.



Reply messages:

@ anh Minh: em mở blog lại rồi. Chuyện đó anh cố gắng giúp em nha. Sẽ có hậu tạ sau. (Hihi, nếu ông trời cho mình gặp nhau.)

@ bạn Thông: Entry đang edit nên mới phải đóng blog. Tớ vẫn rất khỏe. Cảm ơn Thông.

Bạn của Thông học ở Đức mà vẫn đang nghỉ đông à? Vậy là bạn ấy ở khác bang chỗ tớ rồi. Bang tớ (Hessen) đã kết thúc kỳ nghỉ đông từ lâu. Giờ đang chuẩn bị đón xuân.