Thứ Hai, 2 tháng 4, 2007

Cá tháng Tư


Lịch sử ngày "Cá tháng Tư"

Không giống như hầu hết các ngày đặc biệt khác trong năm, ngày Cá tháng Tư có lịch sử không rõ ràng. Người ta coi Pháp là quê hương của ngày Cá tháng Tư.
Bên Pháp ngày 1 tháng tư thời tiết bắt đầu ấm, hơi gió và mưa lất phất, mọi người được quyền quên chiếc áo ấm dày, thô nặng nề. Hoa thủy tiên đã nứt lên từ tháng một, trải qua nhiều lần tuyết phủ, hoa đầu tiên vui mừng báo hiệu mùa xuân. Mọi cây khác nhìn xa thấy vẫn chỉ là những cành không lá đen đủi, nhưng thiệt ra chúng đã ôm đầy nụ từ hai tháng trước như đã ngầm chuẩn bị với nhau, lần lượt nở vào tháng Tư. Tháng Tư đúng là mùa Xuân, hoa lá sống trở lại sau khi ngủ một giấc dài 6 tháng, giống như tháng Giêng của Việt Nam.
Nhưng đến năm 1563, nhân chuyến đi tới nhiều nơi khác nhau của nước mình, vua Pháp Charles IX (lúc đó mới 14 tuổi) nhận thấy là năm mới bắt đầu khác ngày nhau tùy miền. Thí dụ ở Lyon người ta lấy ngày Noel làm ngày đầu năm, ngày 25 tháng 3 (thí dụ ở Vienne), có nơi lấy ngày 1 tháng 3, hay ngày lễ Phục sinh.. gây lầm lẫn cho mọi người. Để thống nhất cho tất cả nước, tại Paris vua Charles IX ban hành thêm điều thứ 39 trong chỉ dụ gồm 42 điều, là lấy 1 tháng 1 làm ngày đầu năm. Chỉ dụ đó tên là Roussillon vì vua ban hành chỉ dụ lúc đến Roussillon, một tỉnh ở miền Nam nước Pháp. Quyết định này được áp dụng từ năm 1567.
Sự thay đổi lịch này này làm xê dịch ngày trao đổi quà tết. Có những người vẫn chưa quen hay vẫn còn nghi ngờ ngày 1 tháng 1, nên vẫn tiếp tục trao tặng quà nhau vào ngày 1 tháng 4. Tuy nhiên, có một số người không biết lịch mới và vẫn tiếp tục tổ chức đón mừng tân niên vào ngày 1/4. Những người này bị bạn bè đùa trêu bằng cách gửi những món quà nghịch ngợm, nói dối họ và thuyết phục họ tin vào những chuyện đó. Đến ngày nay, việc trêu đùa như thế này trở thành một thói quen. Ở Pháp, người ta gọi ngày 1/4 là ngày Cá tháng Tư. Những người bị “sập bẫy” bị gọi là “Con cá tháng Tư” (poison d’avril), còn tác giả của những trò trêu đùa cũng không bị giận vì quy tắc của những trò đùa này là nó không được gây hại cho bất kỳ ai. Ngày Cá tháng 4 đã trở nên quen thuộc ở nhiều quốc gia, bắt đầu từ Pháp lan sang Anh, Mỹ,...và nhiều nơi khác. Ở Scotland, ngày Cá tháng Tư kéo dài tới 48 giờ. Ở Việt Nam, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ngày Cá tháng Tư cũng đã được chấp nhận và nhanh chóng trở thành cơ hội để mọi người cùng chia sẻ các bất ngờ, thú vị đầy tính hài hước.


Tại sao lựa con cá ??
Nếu những trò đùa được biết dưới tên "cá tháng 4", là vì ở thế kỷ 16, quà tặng nhau thường là thức ăn. Ngày này là ngày cuối mùa chay, thời kỳ này người đạo Thiên chúa bị cấm ăn thịt. Cá là món ăn chay thường xuyên. Một trong những nghịch ngợm là họ tặng nhau con cá giả.

Các nước khác...

Truyền thống đùa giỡn ngày 1 tháng 4 bắt đầu ở phương Tây và từ từ lan dần. Mỗi nước biểu thị một cách khác. Người Anh đặt tên là April's fool day, chỉ chọc phá buổi sáng thôi và người bị bẫy là "cộng mì ống". Xứ Tô Cách Lan thì gấp hai lần Pháp vì họ giỡn cho tới ngày 2/4. Ngoài ra còn có một loại cá tháng tư bên Ấn độ, xảy ra vào ngày 31/3 và họ gọi là lễ Huli.

Có 8 vụ nói dối được cho là thành công nhất trên thế giới. Những trò này không những quá sức bất ngờ mà có thể còn làm nạn nhân cay cú và tự giận mình mãi.
1: siêu cầu thủ Sidd Finch Năm 1985, tờ báo thể thao nổi tiếng Sports Illustrated của Mỹ đăng một bài báo ca ngợi một cầu thủ bóng chày mới được phát hiện tên là Sidd Finch. Theo đó, Sidd có thể phát bóng chính xác 100% với vận tốc 270km/h (nhanh hơn kỷ lục lúc đó tới 104km). Báo cho biết Sidd chưa từng chơi môn này mà chỉ tu luyện một môn tương tự mãi tận Tây Tạng mới về Mỹ. Fan bóng chày ào ào yêu cầu báo cung cấp thêm thông tin và hình ảnh của người họ mong ước. Song tờ báo đính chính rằng đó cũng chính là mơ ước chưa thành hiện thực của phóng viên Sports Illustrated.
2: Bán cả Lincoln Năm 1996, hãng Taco thông báo họ vừa mua quả chuông Tự do trong bảo tàng Lịch sử quốc gia làm của riêng. Hàng ngàn dân Philadelphia đã gọi điện tới Bảo tàng chất vấn nhưng bị bác bỏ. Vẫn còn nghi ngờ, mọi người yêu cầu Nhà Trắng thông báo xác minh sự việc. Người phát ngôn Mike McCurry nói: "Vâng, chuông đã được bán, có kèm thêm cả Tượng đài Lincoln".
3: Nixon tái tranh cử Năm 1992, Đài phát thanh quốc gia Mỹ phát đoạn băng ghi lời Richard Nixon - vị tổng thống từng đưa ra học thuyết "Việt Nam hoá chiến tranh", trong đó Nixon tuyên bố: "Tôi chưa làm gì sai và sẽ không làm gì sai nếu được bầu lại lần này". Hàng triệu cử tri tren khắp nước Mỹ choáng váng và yêu cầu Đài thông báo thêm. Thông báo thêm có đoạn: "Chúng tôi đang nhờ thính giả xác minh xem có phải giọng của danh hài Rich Little giống giọng Nixon không".
4: Đĩa bay đáp xuống London Đúng ngày 1/4/1989, hàng ngàn lái xe trên một đại lộ ở London đã đuổi theo một chiếc đĩa đang bay trên trời. Khi chiếc đĩa bay đáp xuống, họ vây quanh, có thêm sự có mặt của dân địa phương, để tò mò theo dõi. Cảnh sát đến ngay hiện trường để xác minh. Một người gan dạ nhất lăm lăm súng tiến tới. Chiếc đĩa bật mở và xuất hiện một người trong trang phục đỏ rực. Anh cảnh sát đã bỏ chạy thục mạng và không kịp biết rằng đó chỉ là một người có tên Richard Branson. Người đàn ông 36 tuổi này đã dồn tiền của đặt một chiếc khinh khí cầu dạng giống đĩa bay để hù mọi người.
5: núi lửa lại phun Năm 1974, toàn thể dân sống quanh khu vực Sitka, Alaska bỏ chạy tán loạn bằng mọi phương tiện có thể khi chứng kiến một cột khói lớn bốc lên từ ngọn một núi lửa đã tắt ở gần đó. Khoảng một giờ sau, bình tâm quay trở lại khi thấy khói lửa tắt dần, mọi người mới nhận ra anh chàng có tên Porky Bickar với bó đuốc trên tay, nhăn nhở hét lên: "Tôi định tụ tập mọi người lại, sao lại bỏ chạy xa thế?".
6: Diễu hành kỷ niệm ngày nói dối Năm 2000, một thông cáo báo chí được gửi đến các phương tiện thông tin đại chúng ở Mỹ rằng người New York sẽ tổ chức buổi diễu hành kỷ niệm 15 năm ngày nói dối ra đời. Thông cáo ghi địa điểm cụ thể là đại lộ số 59 và thời gina là vào giữa trưa ngày 1/4. Các toà báo lớn, trong đó có cả CNN và Fox đã mang thiết bị lỉnh kỉnh đến tận nơi để tường thuật buổi lễ có một không hai sắp diễn ra. Những gì họ có thể quay được là một băng-rôn mang dòng chữ: "Các bạn hãy quay nhau đi".
7: Máy chế ngự thời tiết Năm 1981, báo Manchester Guardian đăng bài và ảnh về một nhóm các nhà khoa học Anh đã chế tạo xong máy chế ngự thời tiết. Sau khi đọc hàng loạt các giải thích mang nặng tính chuyên môn cao, người đọc biết rằng máy này sẽ làm ảnh hưởng tới chiều quay của Trái Đất, qua đó có thể rút ngắn hoạc kéo dài các mùa, phát điện lên các đám mây để mang mưa về. Báo còn đảm bảo rằng từ nay người dân Anh sẽ đón những giáng sinh chan hoà ánh nắng nếu thích. Bức ảnh minh hoạ các nhà khoa học mặt căng thẳng vận hành một thiết bị lạ càng làm nhiều người tin tưởng. Để trả lời cho phản hồi của độc giả, họ thông báo: "quá trình thử nghiệm vẫn tiếp tục, đề nghị chờ đợi tới 1/4 năm sau".
8: giải quyết được vấn đề Y2K Năm 1999, tờ báo nổi tiếng của Singapore là Straits Times đưa tin một học sinh trung học của họ đã viết xong phần mền xử lý sự cố Y2K và đặt tên là "Polo Flair". Gia đình cậu bé này đang chuẩn bị hoàn tất thủ tục để thương mại hoá toàn cầu công trình vĩ đại này với doanh số dự kiến hàng tỷ USD. Trả lời đơn đặt hàng của rất nhiều khách hàng gửi tới và để đáp ứng lòng mong đợi của độc giả, tờ báo này ngay hôm sau đã tiết lộ rằng, "Polo Flair" chính là cách nói lái với các chữ cái có trong cụm từ "April Fool" (Cá Tháng Tư).
01.04.2007

1 nhận xét:

  1. GreenDragon (chị Hạnh): be careful on the frist of april :D
    Sunday April 1, 2007 - 05:54pm (ICT)

    Trả lờiXóa