Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2008

Tổng kết tuần qua


Mary

Cô ấy 25 tuổi, là bác sĩ tâm lí, mang hai dòng máu Việt - Mỹ... và là em họ của mẹ tớ.

“Nana nè, dì đặc biệt đến thăm con 3 ngày từ 22.10 đến 24.10 đấy. Nhớ phải ở nhà nghen!”. Tớ nhận được tin nhắn này vào một ngày đầu tháng 9, đành ngậm ngùi hủy chuyến Klassenfahrt đến Heidelberg mà tớ đã rất mong đợi.

Đã 10 năm rồi kể từ lần đầu gặp dì ấy. Trong trí nhớ của tớ đó là một cô gái nước da ngăm, tóc vàng, niềng răng và rất thân thiện. Nhớ cả cái lần dì ấy ôm mình và tung hứng nữa. Khi ấy tớ mới 8 tuổi và cân nặng 14 kg, tức là nhẹ hơn nhiều so với những bạn cùng lứa. Nhưng với một cô gái chỉ mới 15 tuổi như dì Mary lúc đó, việc tung hứng một đứa trẻ như vậy rõ ràng đâu phải là chuyện dễ. “Dì ấy mạnh thật!”, lúc ấy tớ đã nghĩ thế.

Và đứng trước tớ bây giờ là một Mary rất khác (“rất” chứ không phải “hoàn toàn” nhé). Mái tóc đã được nhuộm đen, không còn đeo cái niềng răng vướng víu hồi nào, nước da trắng, ngoại trừ vóc dáng cao ráo thì nhìn dì bây giờ không khác gì một cô gái Việt Nam rất đẹp. Khi tớ nói với Mary ý nghĩ này, dì đã cười rất tươi.

Mary nói tiếng Việt sỏi hơn hồi trước nhiều, dì nói dì đang tự học tiếng Việt - “Tiếng Việt khó nhưng rất hay!”. Dì Mary còn “dụ” tớ đi theo nghề của dì - bác sĩ tâm lí - “ Con đủ tiêu chuẩn đó.”. Tớ chỉ biết cười trừ. Làm sao tớ có thể giúp gì cho người bệnh khi chính tớ luôn có cả đống vấn đề tâm lí?

3 ngày Mary ở đây, tớ có lợi thế luyện phát âm tiếng Anh. Cô giáo Alla khen tớ tiến bộ hơn hẳn. [Tình hình là bạn Janislav đã nhận xét tớ nói tiếng Đức bằng English accent; còn cô giáo Alla lúc nào cũng than: “You speak English with a German accent.”]

Đi chơi với dì Mary không được nhiều vì tớ vẫn phải đi học chung với lớp BFS - cái sự học này cũng lắm điều thú vị mà tớ sẽ kể sau. Hai dì cháu chỉ kịp thăm thú Frankfurt về đêm, mấy quán bar, vườn nho ở Wiesbaden, ăn chung cây kem 3 viên to tướng, chạy theo uống bia với mấy chú Beerbike (gọi như vậy vì mấy người này bán và uống bia trên một cái xe đạp to đùng, cứ thế đạp từ nơi này qua nơi khác)…

Lúc tiễn Mary ra sân bay, dì ấy còn hỏi tớ: “Nana dám đặt cược với dì không?”. “Về cái gì?”. “Dì tin con không cần cược gì đâu. Trước sau gì con cũng là người chiến thắng mà. Hứa nhé!”. Tớ hiểu những gì Mary nói nên đã ngoắc ngón út thật chặt với dì như làm một bản cam kết. Chắc chắn tớ sẽ thắng căn bệnh dở hơi ấy.


Internet

Internet nhà tớ bị hư đúng 1 tuần, từ hôm thứ bảy tuần trước - nhằm đúng lúc tớ có “hẹn" với anh Minh Robo nữa chứ. Đến chiều thứ sáu, sau khi đã tiễn dì Mary, papy mới gọi điện cho ông thợ Telekom đến sửa chữa. Mọi người đi chợ, chỉ còn mình tớ ở nhà. Vậy là nghiễm nhiên tớ trở thành đại diện gia đình, có nhiệm vụ giải thích cho ông ấy biết tình hình mạng miết nhà tớ.

Đúng 15 giờ 30 ông ấy gõ cửa nhà tớ. Đó là một người rất trẻ, chỉ độ chừng 22 - 23 tuổi, và gương mặt baby đến nỗi tớ không thể dùng từ “ông” mà gọi. Cho nên những đoạn đối thoại sau tớ sẽ tạm dịch với từ “anh” vậy.

- Chào cô, tôi là Dennis Meier từ Telekom. Tôi đến đây vì một cú điện thoại thông báo rằng mạng nhà ta bị trục trặc.

- Vâng, tôi hiểu. Bố tôi đã gọi điện cho anh. Mời anh vào... Hiện tại bố mẹ tôi đều đi vắng. Tôi sẽ giải thích cụ thể vấn đề.

… {Tớ kể lể với anh ta, nào rằng là nhà tớ đã bị mất mạng từ 7 ngày nay, rằng là việc này trước đây cũng thường xảy ra, nhưng sự cố không lâu như vậy... và yêu cầu anh ta kiểm tra modem cũng như các thiết bị dây dẫn thật kĩ.}

- Suýt nữa tôi quên. Anh muốn uống trà, nước hay café?

- Cảm ơn cô. Nhưng cái đó để sau, tôi muốn bắt tay ngay vào việc.

Sự đúng giờ, cách làm việc tỉ mỉ và chắc chắn đều chứng tỏ anh ta là một người Đức điển hình của điển hình.

- Tôi tin rằng modem vẫn còn tốt. - anh ta đột nhiên lên tiếng làm đứt dòng suy nghĩ của tớ - Tôi nghĩ lí do là vì dây dẫn và ổ cắm quá cũ. Tôi đã thay bộ mới. Cô cứ dùng thử, nếu có gì trục trặc thì gọi điện cho tôi.

- Cảm ơn anh. Tôi không biết anh thích uống gì nên mời anh nước. - tớ vừa nói vừa đưa cái ly trên tay cho anh ta.

Mỉm cười, hớp một ngụm nước, người thợ trẻ nhìn vào chỗ origami đang xếp dở trên bàn của tớ và nói:

- Người Nhật như cô hẳn là rất thích xếp giấy. Thật hay khi người ta có thể tạo nên nhiều hình thù khác nhau chỉ với những mảnh giấy hình vuông.

- Anh nói đúng. Origami là một nghệ thuật của sự sáng tạo. Tôi thích xếp chúng khi tôi cần giải toả stress. Nhưng anh cũng sai đấy, tôi không phải người Nhật, tôi là người Việt Nam.

- Ồ, tôi xin lỗi. Tôi không có nhiều cơ hội tiếp xúc với các khách hàng châu Á nên không phân biệt được.

- Không sao, đối với tôi cũng rất khó khăn để phân biệt người châu Âu.

Tiễn anh ta ra cửa, tớ nói:

- Hy vọng chúng tôi sẽ không phải gọi điện cho anh nữa.

- Tại sao vậy?

- Vì khi gia đình tôi liên lạc với anh, nó có nghĩa, Internet nhà tôi lại gặp vấn đề; và anh lại phải bận rộn. *cười*

- Về phần tôi, tôi rất vui khi nhận thêm công việc. Chào cô.

- Ciao! Cuối tuần vui vẻ!

Sau khi đóng cửa, tớ mở ngay máy và vào Internet. Vui quá! Đã kết nối được rồi.


BFS - Berufsfachschule

Những học sinh không đi Heidelberg như tớ “được” ở lại trường và đi học bình thường, nhưng học với các anh chị trong lớp học nghề (BFS).

Lớp BFS toàn những thành viên nhí nhảnh, hỗn láo, nổi loạn nếu không muốn nói là điên khùng. Có một ông mập đeo kính mà tớ đặt biệt danh là Gorila lúc nào cũng làm ra vẻ điệu đà như con gái. Bạn Yang nói ông này là gay nhưng tớ cá anh ta chỉ giả bộ thế thôi. Rồi một chị lúc nào cũng cáu gắt với giáo viên. Và một anh mọt sách luôn làm ra vẻ “ta đây biết hết”. Nói vậy thôi chứ cái lớp này nhộn đáo để và lắm người dễ thương.

Các tiết học và chủ đề đều mới mẻ với tớ. Mắc cười cái là ngoài cô giáo chủ nhiệm và thầy giáo dạy Anh văn của lớp đó biết bọn tớ (tớ + những thành viên còn lại của lớp EIBE) chỉ dự thính giảng thôi; những giáo viên khác hoàn toàn không biết. Nét độc đáo của ngôi trường luật Hans-Böckler-Schule này là vậy đấy - thông tin được bưng bít rất kỹ.

3 buổi học chung với BFS, tớ đã phân biệt được sự khác nhau của AG (Công ty cổ phần) và GmbH (Công ty trách nhiệm hữu hạn), biết thế nào là Betriebsrat (đại biểu công nhân) cũng như các cách thức sản xuất… À, tớ còn được học bài bản về phong cách thuyết trình nữa. [Nói đến đây, tớ muốn cảm ơn cô Hoa Tranh, cô giáo chủ nhiệm năm học lớp 10 của tớ. Vì nhờ những tiết thuyết trình trong giờ của cô, tớ đã tự tin hơn rất nhiều.] Phải công nhận lớp này được học nhiều thứ thú vị ra phết.

Như đã nói ở trên, các thầy giáo dạy môn Kinh tế học và Luật hoàn toàn không biết bọn tớ thuộc EIBE nên giao bài tập bình thường. Cũng hay! Các câu trả lời đều nằm sẵn trong sách. Vấn đề còn lại là bạn phải biết nên tìm chúng ở đâu, tức là ở trang nào, đoạn nào, câu nào đấy. Thế nên Nam Trân cùng đồng bọn (những người chép bài của tớ) làm đúng tất cả các câu hỏi. Và vì tớ cũng ham hố tham gia phát biểu với mọi người nên các thầy giáo không hề có một chút hoài nghi.

Mãi đến cuối buổi học, thầy giáo hỏi tớ: “Em mới chuyển về lớp này à? Hình như hồi trước thầy thấy em ở lớp EIBE.”. Tớ đành phải giải thích mọi sự với thầy.

Tuần sau tớ quay lại EIBE rồi.


Thư của Alex

Do Internet bị vấn đề và do trời lạnh khiến tớ không thể dậy sớm như mọi khi được, cả tuần tớ đã không gặp Alex cả trên mạng và cả trên xe điện.

Có ai ngờ hộp thư của tớ bị cậu ta tấn công một cách dữ dội vậy cơ chứ.

“Nana, cậu bị bệnh phải không?”, “Cậu rời thành phố này sao?”, “Cậu ở đâu?”, “Có chuyện gì không hay vậy?”, “Sao không trả lời thư tớ?”, “Tớ làm gì sai khiến cậu giận phải không?”, … blah… blah… blah… Làm bạn với những người nhạy cảm như cậu ta kể ra cũng lắm rắc rối. Giờ thì tớ đã hiểu nỗi khổ của anh Dreamy khi cứ phải nghe tớ lải nhải suốt.

Vừa đọc xong những lá thư đó, tớ đã viết thư trả lời ngay lập tức, nói rằng cậu ta hoàn toàn không có lỗi, tớ không bị bệnh, không chuyển chỗ ở và không có vấn đề gì hết, trừ trục trặc với mạng Internet và bệnh lười. “Cậu đừng lo lắng. Tuần sau tớ sẽ cố gắng dậy sớm hơn.”.

Alex thuộc nhóm người thích đến trường thật sớm [Báo cáo là tớ cũng nằm trong nhóm ấy.]. Như tớ, cậu ta yêu không khí mát dịu và tĩnh lặng khi ngồi trên chiếc ghế ở sân trường. Chỉ có một phiền phức nhỏ. Cậu ấy là một học sinh cực kì siêng năng và dậy rất sớm. Vì thế, nếu tớ chỉ nằm nướng trên giường độ 5 phút thôi thì chắc chắn sẽ không gặp cậu ấy trên xe điện.

Dĩ nhiên với tớ chuyện có gặp cậu ta hay không không phải là một vấn đề to tát, nhưng với một người mà độ nhạy cảm gần như đã đạt tới đỉnh của nó như Alex thì đó là một cái gì khủng khiếp. Đôi khi tớ tự hỏi, tại sao đa số những người bạn của tớ, và cả tớ nữa đều như vậy nhỉ? Cứ như là những người từ một hành tinh khác bị bắt buộc ở lại thế giới này và phải làm quen với một số “luật lệ” ở đây. Với họ, những gì bất bình thường một chút xíu cỡ như hạt tiêu thôi ngay lập tức đã trở thành trái ớt. cay nhất thế giới.

Và tớ luôn phải tự trấn an mình với ý nghĩ: Mỗi người một cá tính. Cứ sống thật và sống thoải mái theo cách hợp với mình nhất là được.


P/S:

Mới biết cái đề án “Người cân nặng dưới 40kg, cao dưới 1m45 không được đi xe máy trên 50cc.” Rứa là tớ không đủ tiêu chuẩn cả về chiều cao lẫn cân nặng rồi.


Reply comments:

@ má Hà: Cái màu vàng đó là tờ giấy ghi tên con đó, má à. Con cũng không ngờ là con bị ba của con (không phải papa Lâm Phong đâu) không cho về thăm nhà. Nhưng má và mọi người lúc nào cũng ở rất gần con đó thôi, trong tim đó.

@ chị Linh: Cảm ơn lời chúc chị dành cho em. Em có để link bài hát đi kèm, hy vọng chị sẽ thích bài này. Không phải do Internet đâu chị, do Yahoo 360! đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét